Lời Phật dạy về luân hồi chuyển kiếp: Người khờ tích tiền, người khôn tích Đức, người giác ngộ tu luyện để thoát khổ

Không ai thoát khỏi luân hồi chuyển kiếp với nghiệp báo do luật nhân quả, và con người trên thế gian được chia làm ba loại: người khờ dại sẽ nỗ lực hết mình để kiếm thật nhiều tiền, tích tiền để hưởng thụ và rồi rơi vào vòng luân hồi trả nghiệp báo, người khôn ngoan nắm được luật nhân quả sẽ coi trọng Đức hơn tiền bạc mà làm việc thiện để hưởng phúc báo đời sau, cuối cùng là người giác ngộ-họ không muốn rơi vào vòng luân hồi chuyển kiếp để rồi không biết kiếp sau mình liệu còn được làm người hay thành thứ gì khác, họ tu luyện.

Luân hồi chuyển kiếp không loại trừ bất kể ai, cho dù đó là một người giàu có và danh vọng bậc nhất, hay chỉ là một thường dân nghèo nàn.

Nhiều tiền không đồng nghĩa với sự viên mãn vĩnh hằng

Nhiều người chắc hẳn sẽ tự hỏi mình câu này: “Con người như ta từ đâu mà tới, khi tử rồi sẽ về đâu?”. Một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam từng viết về triết lý luân hồi trong tác phẩm của ông như sau: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”.

Theo giáo lý Phật gia, một sinh mệnh luôn luân hồi chuyển kiếp, kiếp này có thể làm người, kiếp sau rơi vào đường súc vật, kiếp kế có thể là vật vô tri như tảng đá, ngọn núi, cây cối…Để được làm người, sinh mệnh đó thực sự may mắn. Nhưng con người khi sinh ra không mang đến cõi đời này bất cứ thứ gì, nhỏ bé, trần trụi và chỉ có vậy, lúc nhắm mắt xuôi tay cho dù trong cuộc đời có kiếm bộn tiền, có làm ông to bà lớn, vẫn chẳng thể mang theo.

Cái duy nhất họ mang theo chính là Đức và Nghiệp-tích tụ từ việc Thiện và Ác mà họ đã thực hiện khi làm kiếp người. Một người giàu có không kể xiết, nổi tiếng khắp thiên hạ liệu có mua nổi Đức nếu số tiền tài và danh vọng đó được tích lũy từ những hành vi tạo nghiệp nặng qua tranh giành, cưỡng đoạt và làm hại người khác? Không thể nào. Tiền bạc và danh vọng đối với một người khi đã nhắm mắt xuôi tay không là gì cả, thậm chí còn mang tới cái nợ lớn cho họ, để rồi phải chịu phán xét nghiêm minh của luật nhân quả.

Người khôn ngoan tích Đức

Có nhiều người đã ngộ được điều này, và họ đã khôn ngoan khi từ bỏ đồng tiền và danh vọng vốn là sự cám dỗ bậc nhất đối với con người, để đổi lấy Đức cho bản thân.

Vợ chồng tỷ phú Bill Gates quyên góp hầu hết tài sản kếch xù kiếm được để làm từ thiện mà tích Đức.

Có thể kể đến tỷ phú vào loại giàu nhất thế giới Bill Gates, ông chủ tập đoàn Microsoft hùng mạnh. Từ bỏ danh vọng và quyền lực tại tập đoàn mà ông đã dày công gầy dựng và nổi danh khắp thế giới, Bill Gates cùng vợ sau cùng quyết định quyên tới 95% tài sản trị giá 17 tỷ Bảng Anh cho từ thiện. Để làm được điều này đối với một người bình thường không hề dễ dàng, nhưng Bill Gates đã làm được, đơn giản là vì ông hiểu được luật nhân quả-của cải tiền bạc không thể mang lại điều may mắn cho ông mà chính là Đức.

Một người khác nổi tiếng và tài giỏi ngang tầm Bill Gates nhưng lại kém may mắn hơn ông chủ Microsoft đã phải cay đắng thốt lên rằng: “At this moment, lying on the sick bed and recalling my whole life, I realize that all the recognition and wealth that I took so much pride in, have paled and become meaningless in the face of impending death” (Vào giây phút này, khi đang nằm trên giường bệnh và hồi tưởng lại về toàn bộ quãng đời đã qua, tôi nhận ra rằng mọi vinh quang và của cải mà tôi từng tự hào vì chúng, đều đã quá mờ nhạt và trở nên vô nghĩa khi cái chết đang cận kề ).

Đó là lời tâm sự của doanh nhân Steve Jobs (1955-2011) nổi tiếng tại tập đoàn Apple, Mỹ. Ông ra đi khi đang ở độ tuổi còn phong độ và trên đỉnh cao của thành công, danh vọng, giàu có. Không ít người khắp thế giới thèm được như Steve Jobs lúc ông còn sống, nhưng kết cục của ông ra sao? Ông vẫn là người thường và không thể tránh khỏi quy luật sinh-lão-bệnh-tử, buộc phải tuân theo an bài của số phận để rời bỏ thế gian trong tiếc nuối, dù chắc chắn là ông không hề muốn như thế.

Một số trong loạt ảnh cuối cùng của doanh nhân nổi tiếng Steve Jobs từng là ông chủ Apple. Ông qua đời vì bạo bệnh khi đang trên đỉnh cao của sự nghiệp, danh vọng, tiền tài và phong độ.

Lúc này liệu có ai muốn giống như Steve Jobs? Của cải và danh vọng còn đó nhưng con người đã khuất và không thể mang theo. Liệu có ai biết Steve Jobs kiếp này kiếp sau sẽ thành gì, liệu có được làm người hay không? Không ai có thể biết ngoài Đấng Tối cao.

Người giác ngộ tu luyện để thoát khổ do luân hồi chuyển kiếp

Luân hồi chuyển kiếp khiến sinh mệnh rơi vào cái gọi là “bể khổ trầm luân” của con người. Nhưng có những người sớm giác ngộ, họ biết được rằng còn có một con đường để thoát kiếp luân hồi, thoát khổ nơi dương gian. Đó chính là tu luyện.

Câu chuyện về cuộc đời lúc sinh thời của Đức Thích Ca Mâu Ni là một ví dụ điển hình về sự giác ngộ. Khi còn là hoàng tử Tất Đạt Đa (Siddhartha), Ngài đã sớm nhận ra nỗi khổ của con người. Sau chuyến vi hành ra ngoài thành, chứng kiến nỗi khổ về bệnh tật, cái chết của con người, Ngài ngộ ra rằng mọi thứ xa hoa trong cung điện mình đang sống chỉ là sự giả dối. Con người sinh ra vốn đã phải chịu khổ, và Ngài muốn thoát khổ, đồng thời phát tâm nguyện giúp chúng sinh thoát khổ. Cái lý mà ngài trình lên vua cha để xin xuất gia học đạo đó là

1- Làm sao mọi người trẻ mãi không già,

2- Làm sao mọi người khỏe mãi không bệnh,

3- Làm sao mọi người sống mãi không chết,

4- Làm sao mọi người hết khổ.

“Những việc đó là thường ở đời, đương nhiên phải già, bệnh, khổ, chết, không có cách nào giải quyết được, đành chịu mà thôi”, cha Ngài lúc bấy giờ đã phải buồn rầu chấp nhận và phê chuẩn cho hoàng tử Tất Đạt Đa được toại nguyện.

Nhờ sớm giác ngộ và nỗ lực tu hành, Ngài đã đắc chính quả, thực hiện tâm nguyện độ nhân và được người đời tôn thờ cho đến tận hơn 2.000 năm sau.

Trong lịch sử hoàng tộc Việt Nam cũng có một vị hoàng đế sớm giác ngộ để từ bỏ vinh hoa phú quý tột bậc mà đi theo đường tu hành, đó là vua Trần Nhân Tông (1258-1308). Đức vua đã truyền ngôi lại cho thái tử là con trai để xuất gia tu luyện.

Đời con người ngắn ngủi tựa như thoáng qua so với thời gian vô tận trong vũ trụ này. Con người chắc chắn phải tuân theo luật nhân quả mà luân hồi chuyển kiếp, nhưng nếu sớm giác ngộ mà nỗ lực đi theo con đường Chính Pháp để tu luyện, chắc chắn sự kiềm tỏa tất yếu này sẽ không còn có tác dụng.

Sướng hay khổ do bản thân mỗi người tự lựa chọn, mọi cám dỗ trong đời thường là quá thực tại và quá mạnh mẽ, nhưng một khi chuẩn bị từ giã cõi đời, có ai mang theo được bất kể thứ gì khiến họ đam mê và lưu luyến trên cõi trần này?

ST