Lời Phật dạy: Cha mẹ là Phật trong nhà. Cung dưỡng cha mẹ ắt có phước báo về sau

Trong cái duyên là cha có từ ân, mẹ có bi ân, Phật dạy con trẻ phải hiếu hạnh. Vì hiếu hạnh mang đến phước báu to lớn, bất hiếu mang đến cái quả bất hạnh.

Cha mẹ là Phật trong nhà

Thực tế thì không phải ai đến với đạo Phật mới có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhiều gia đình rất giàu có và hạnh phúc, dù đạo họ theo là đạo ông bà, không thích đi chùa cũng như niệm Phật. Điểm chung tìm thấy ở các gia đình đó là sự hiếu hạnh từ trên xuống dưới.

Điểm chung đó ứng với những gì Đức Phật đã nói trong kinh luận. Nó được hình thành từ lý Nhân quả mà Đức Phật đã chiêm nghiệm được. Kinh nói: “Cung dưỡng cha mẹ, phước đức ngang bằng Phật”, “Cha mẹ là hai vị Phật trong nhà”.

Cha mẹ là hai vị Phật ở trong nhà

Vì thế, việc cung dưỡng cha mẹ đưa đến phước báu là lẽ tất nhiên. Không cần phải đến chùa hay cúng dường Tăng bảo mới được phước báu đó.

Có điều, nếu không có duyên với Tam bảo, chúng ta không ý thức được việc mình làm một cách rõ ràng, chỉ là theo thói quen. Nếu thói quen được huân tập mạnh thì đời đời hiếu hạnh. Nếu hiếu hạnh huân chưa sâu, gặp nghịch duyên mình dễ đánh mất cái chủng tốt đẹp ấy. Lại nữa, muốn hiếu hạnh được vuông tròn, con cái còn phải biết cách hiếu hạnh. Không biết cách hiếu hạnh thì cha mẹ và mình dễ gặp những bất hạnh. Đó là lý do chúng ta cần có Tam bảo.

Vì những gì xảy ra trong hiện tại bị chi phối bởi nhân duyên thời quá khứ, nên không phải con cái nào cũng được cha mẹ thương yêu và thương yêu đúng cách.

Không được thương yêu đưa đến bất mãn là lẽ tự nhiên. Nhưng thương yêu không đúng cách cũng có thể khiến bất hạnh xảy ra. Đó là lý do mình thấy có những thương yêu được đáp trả cân xứng, cũng có những thương yêu không được đáp trả cân xứng.

“Bên cạnh đó, vẫn có những người con thực hành hiếu hạnh đầy đủ, dù cha mẹ không tốt với mình. Là do trả cái vay từ kiếp trước, hoặc là người đã sống được với chất đạo của mình.”

Nhân duyên giữa cha mẹ và con cái có khi cũng như vậy. Vay trả trả vay đúng mức còn luân hồi không dứt, huống là gặp thêm những cái quả quá tay, nghịch duyên ngày thêm chồng chất.

Cái đáng tội là ở đó! Chỉ vì chúng ta không biết đạo, không thấu được lý Nhân quả đang chi phối thế giới này, cũng không tin nổi cái gọi là “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, nên mọi việc cứ thế mà luẩn quẩn mãi trong luân hồi khổ đau.

Phước báu to lớn nhất là cha mẹ biết đạo hoặc con cái biết đạo

Phước báu to lớn nhất của chúng ta là hoặc cha mẹ biết đạo, hoặc con cái biết đạo, hoặc cả hai cùng biết đạo. Có vậy mới có thể chấm dứt được vòng nghịch duyên truyền kiếp kia.

Cách báo ân cha mẹ tốt nhất

Việc báo ân là cần thiết vì cha có từ ân, mẹ có bi ân. Cha nuôi nấng dạy dỗ thương yêu khiến con trẻ được vui vẻ. Mẹ khi sinh phải chịu nhiều đau đớn, một lòng lo lắng nghĩ tưởng đến con, lấy máu mình làm sữa nuôi con, thức khuya dậy sớm, cực khổ muôn phần. Chính vì sự hết lòng đó mà việc con cái hiếu hạnh trở thành cần thiết. Cũng vì sự hết lòng đó mà con cái bất hiếu phải gặt cái quả không hay.

Báo ân cha mẹ là cần thiết

Kinh nói: “Một khi cha mẹ phát lời ác thì con liền theo đó mà đọa, có khi rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Sự mau chóng ở thế gian không gì bằng gió mạnh, biểu hiện của ai oán cũng nhanh như thế. Tất cả Như Lai cho đến tiên nhân có đủ ngũ thông đều không thể cứu”. Vì thế, hiếu hạnh với cha mẹ là việc tối cần thiết mà bất cứ người nào cũng nên có.

Trong cái duyên là cha có từ ân, mẹ có bi ân, Phật dạy con trẻ phải hiếu hạnh. Vì hiếu hạnh mang đến phước báu to lớn, bất hiếu mang đến cái quả bất hạnh.

Ngoài cái duyên đó ra, có lẽ chúng ta vẫn nên hiếu hạnh. Không chỉ vì việc ấy mang đến phước báu cho bản thân, nó còn giúp chúng ta xóa đi mối nghịch duyên mà hai bên đã lỡ gieo tạo với nhau trong tiền kiếp.

Nói đến hiếu hạnh thì có nhiều cách để chúng ta hiếu hạnh. Không phải chỉ có trực tiếp cung dưỡng cha mẹ mới là hiếu hạnh. Có những duyên nghịch đến nỗi dù có hồi tâm cung dưỡng, nghịch duyên vẫn xảy ra. Có những duyên cứ đối duyên là tâm uất hận lại sinh khởi v.v…

Vì thế, cần có tâm sáng tạo trong việc hiếu hạnh. Có thể dùng phước báu có được từ các thiện nghiệp như tu hành, làm phước, cúng dường Tam bảo… hồi hướng trực tiếp cho cha mẹ. Trước là tự an tâm mình sau là xóa đi một mối nhân duyên không tốt.