Huyền bí chuyện ở “sống mũi rồng” và những người chết trẻ

Người dân Sâm Khố vẫn quen gọi cái giếng đầu làng với các tên kỳ lạ “Sống mũi rồng” . Cũng bởi cái giếng nằm ở vị trí chính giữa hai cái ao bèo rộng lớn nên còn được gọi là “mắt rồng”.

Cho đến nay, các bậc cao niên rất ít người còn nhớ về nguồn gốc cái giếng cùng hai cái ao bèo cổ xưa ấy. Chỉ biết rằng, sau bao câu chuyện huyền bí xảy ra, dân làng hoảng sợ mời các thầy địa lý cao tay về xem lại phong thủy, thì tất cả đều khẳng định: Đấy là long mạch nên không một ai dám động chạm đến nữa.

“Giếng thần”

Sâm Khố thuộc xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cũng có nghĩa là “kho của nhà vua”, vốn là một ngôi làng đã có từ mấy trăm năm. Làng nằm dọc bờ sông Hồng, kéo dài, uốn khúc trông như một con rồng thiêng đang vùng vẫy. Bậc cao niên trong làng kể lại, tương truyền rằng vào thời Hậu Lê, nhà vua vi hành cùng các vị đại sư rất giỏi về lý số, phong thủy. Khi thuyền vua chạy tới đây, thấy địa thế vùng đất này có long mạch, các đại sư đã làm phép huyền môn trấn yểm, nhà vua cho quân lính xây dựng một kho muối và gạo khổng lồ, có thể ứng cứu cho kinh thành Thăng Long cũng như mấy tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Người dân tới đây cày cấy, sinh sống và trông coi kho muối, dần dần hình thành nên làng Sâm Khố ngày nay.

Cụ Loạn -Người trông coi ngôi điện của làng đã hơn 30 năm nay

Câu chuyện về cái “giếng thần” cũng đến rất tình cờ khi tôi về dự đám hiếu của người quen bên làng Sâm Khố. Đó là cái chết đột ngột, anh bạn mới hơn 30 tuổi. Sau khi đi đám cưới ở xóm bên, anh về nhà tắm rửa, thì bỗng lăn ra ngất xỉu. Người nhà vội gọi bác sĩ đến cấp cứu nhưng không còn kịp nữa. Trong đám tang, tôi nghe dân làng bàn tán, chắc vì hơn 10 năm nay xâm phạm vào long mạch nên mới có biết bao điều xui xẻo xảy đến với họ. Tôi lân la dò hỏi, mọi người bảo không còn nhớ nhiều về những câu chuyện xa xưa của làng. Nhưng việc trong làng liên tiếp có người chết trẻ, những cái chết đột ngột không rõ nguyên nhân, kể từ sau khi xã quyết định lấp mất một chiếc ao, ngay bên cạnh cái giếng cổ để bán cho những hộ mới tách ra làm nhà sinh sống, là có thật. Rồi họ chỉ cho tôi xem cái ao bèo lớn ngay đầu làng, “cái “giếng thần” ở ngay đấy, hai cái ao hai bên chính là hai con mắt rồng, nhưng một ao đã bị lấp mất, giờ không ai dám xâm phạm đến đó nữa”…

Đó là một khoảng đất rộng, cái giếng hình tròn, đường kính chừng 9-10m, xung quanh được bao bọc bởi bức tường gạch cũ kĩ. Bên trong chỉ còn lại một ít nước màu xanh ngắt, tuy nhiên nhìn kỹ cũng không thể thấy đáy giếng, không xác định được độ sâu của nó. Cỏ đã mọc um tùm quanh thành giếng, cạnh đó là một cái ao lớn, bèo phủ kín mặt ao. Ngay phía đối diện, tôi nhìn thấy một khoảng đất trống, đó là “con mắt rồng” đã bị lấp theo lời kể của dân làng. Phía rìa mảnh đất mọc lên mấy ngôi nhà mới xây, mái ngói đỏ chót. Theo sự chỉ dẫn, tôi tìm đến “điện cụ Loạn”, ngôi điện duy nhất ở trong làng thờ bà chúa thượng ngàn. “Cụ Loạn” tên thật là Duẩn, họ Triệu, năm nay 83 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, một mình trông coi ngôi điện đã được hơn 30 năm. Tôi hỏi về nguồn gốc cái giếng, cụ trầm ngâm: “Vùng đất này thiêng lắm, theo cha ông ta kể lại thì nó cũng hơn trăm năm, song hai cái “mắt rồng” thì không ai biết được có từ lúc nào, hình như trước cả lúc lập làng. Rồi khi người ta lấp mất một con mắt, thì biết bao tai họa xảy đến. “Con mắt rồng” đó, trước người ta vẫn gọi là ao Thưởng”…

Đây là vi trí của ao khi xưa nhưng đã bị lấp

Những trùng lặp ngẫu nhiên hay sự huyền bí về tâm linh?

Người già trong làng kể lại, trước cha ông đi tìm thầy phong thủy về xem đất, tìm mạch nước. Các thầy tổ chức cúng bái suốt mấy ngày liền, chỉ ra bãi đất nằm giữa hai cái ao bèo ngay đầu làng, rồi khẳng định “đó là long mạch, hai cái ao là hai “con mắt rồng”, làng mình nằm ngay trên thân của nó. Dân làng sẽ được bình yên, sung túc, và chính giữa là “sống mũi rồng”, sẽ cho nguồn nước sạch, tinh khiết…”. Mọi người hăm hở ra đào, xây đắp, lạ thay nước bỗng tuôn ra, trong vắt, hình thành nên “giếng thần” làng Sâm Khố ngày nay. Từ lúc có giếng, dân không bao giờ thiếu nước, kể cả những lúc hạn hán, sông Hồng cạn khô, các làng bên cạnh cũng xin quẩy gánh nước về. Dân làng Sâm Khố cả trăm năm qua yên ổn làm ăn sinh sống, thời gian gần đây có nước máy về, ít người dùng đến nước giếng nữa, câu chuyện dần dần trôi vào quên lãng. Nhưng mọi việc trở nên ầm ĩ khi xã có quyết định lấp ao để chia đất cho dân làm nhà. Cách đây mấy năm, khi quyết định lấp, những người có tuổi đã đứng ra phản đối quyết liệt, nhưng công việc vẫn cứ tiến hành.

Người ta lấp mất ao Thưởng, rồi xây nhà. Sau đó thì liên tiếp những sự việc kì lạ xảy ra. Có người, đêm đang ngủ thì bị dựng dậy đi lang thang, lúc tỉnh dậy lại thấy mình nằm ngủ ngay trên bãi đất trống, mọi người “an ủi” rằng đó là do bệnh mộng du. Có người, đêm mơ thấy một vị khăn xếp, áo the đến gõ vào đầu nói “đây không phải chỗ của mày sinh sống, hãy đi chỗ khác mới yên ổn”. Có người thì đang thanh niên khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra ốm yếu, bệnh tật… Nhưng đến khi những cái chết trẻ liên tiếp xảy ra thì dân làng mới thực sự hoang mang. Có người bị tai nạn mất, có người bị bệnh mất, người thì chết bất đắc kỳ tử… Cho đến giờ tính từ khi lấp ao, con số đã đến gần chục người. Anh G mất vào tháng 2 năm ngoái, thì đến tháng 2 năm nay lại có trường hợp của anh T, cũng đi làm về, vào nhà tắm. Mọi người thấy lâu không ra mới xúm vào đập cửa, thì thấy anh nằm sõng soài ở đấy, cơ thể lạnh ngắt, bác sĩ đến thì anh T đã mất, không rõ nguyên nhân. Dân làng lo sợ, có nhà mời được thầy địa lý cao tay về cúng bái. Thầy lập đàn thờ ngay trước giếng, lầm rầm khấn vái rồi giật nảy “dân làng mình xâm phạm vùng đất linh rồi, đang được rồng thiêng bảo vệ, ai lại lấp đi một con mắt của nó”. Rồi thầy khăn gói đi mất, cũng không lấy tiền. Năm trước, xã Thắng Lợi dự định lấp nốt cái ao còn lại, thì cả làng phản đối. Đến bây giờ vẫn còn giữ lại được cái giếng cổ, và “con mắt rồng” phía bên tay phải.

Câu chuyện về “vùng đất thiêng” của làng Sâm Khố có phải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Câu trả lời đang chờ những nhà khoa học và cơ quan chức năng làm rõ.