Hình ảnh gia đình ăn cơm ngoài đồng khi mùa vụ đến khiến dân mạng rưng rưng, mấy ai còn nhớ những khoảnh khắc này?

Hình ảnh những người nông dân lam lũ, chân đất ngồi trên đống rơm, ăn bữa cơm trưa đạm bạc với cơm trắng, dưa muối, lạc vừng… khiến bao người xúc động nhớ về tuổi thơ nghèo khó nhưng đầy nhớ thương.

Trong khi chúng ta đang xuýt xoa tận hưởng sự thoải mái với đồ ăn ngon nằm xem bộ phim giết thời gian, thì ở miền quê nào đó, vẫn còn những người lao động nghèo ăn cơm ngoài ruộng, thu lúa xa nhà, bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Những người lao động nghèo vùng núi tranh thủ nghỉ tay ăn bữa cơm đạm bạc khiến bao người chạnh lòng.

Hình ảnh đơn sơ mộc mạc được đăng tải trên một diễn đàn lớn có gần 200.000 thành viên đã nhận về được hàng ngàn like cùng rất nhiều bình luận, chia sẻ của cư dân mạng. Nhìn cảnh các cô bác nông dân lam lũ ngồi trên nền đất rơm, rải cơm lót lá với mấy món dưa muối, lạc vừng… ai cũng cảm thấy xúc động. Nó gợi nhớ về tuổi thơ đượm mùi ruộng đồng man mác khói, mùi lúa chín thoang thoảng khắp đường làng. Nghèo, nhưng mà vui.

Với lứa tuổi 8X, 9X đời đầu thì những người nông dân vùng núi đi thu hoạch lúa ấy không khác gì cha mẹ chúng ta ngày xưa. Cái thời còn khó khăn, nhà ai cũng nghèo, lũ trẻ suốt ngày ở nhà quanh quẩn chơi với nhau nơi nhà tranh vách đất, để bố mẹ đi làm đồng xa, tối ngày con trâu đi trước cái cày theo sau. Những cô cậu nhóc bé tí xíu, 6 – 7 tuổi đã biết mang cơm ra ruộng cho thầy u ăn, rồi về nhà trông em, chăm gà nuôi lợn. Mà cơm ngày ấy cũng không khác gì bức ảnh trên, đa phần là khoai sắn độn cơm, muối vừng, lắm lúc chẳng có gạo đủ để ăn no…

Cả một thế hệ chúng ta đã gắn bó với bao nhiêu ký ức thời quê nhà còn làm nông. Giờ công nghiệp hóa hiện đại hóa gần hết, ruộng đồng ngày càng thu hẹp lại, ông bà cha mẹ ta đã già, tuổi thơ ôm theo cánh diều chạy dài trên triền đê nay chỉ còn trong nỗi nhớ. Biết bao người rơi nước mắt, ôn lại kỉ niệm xưa khi được nhìn thấy tấm ảnh đầy ý nghĩa này. Những người lao động nghèo giản dị, quây quần cùng nhau bên bữa cơm trưa đạm bạc, chỉ là rau dưa nhưng ai cũng vui vẻ cười nói. Cuộc sống đơn giản chỉ là làm việc chăm chỉ, mệt thì về nghỉ ngơi. Họ chẳng mơ ước cao sang, chỉ muốn sống cuộc đời no đủ, yên ấm, con cháu ngoan ngoãn học hành, vậy thôi.

Các cô bác nông dân chân lấm tay bùn giờ vẫn mang cơm đi ăn ngoài ruộng, như cha mẹ ta ngày xưa.
Một gia đình ăn cơm ngoài đồng khi vào mùa gặt.

Chúng ta sống ở thành phố, mọi thứ đủ đầy, sung túc hơn xưa, nên nhiều khi còn lãng phí mớ rau hạt gạo. Chứng kiến các cô bác nông dân quần áo cũ nhàu đầy mồ hôi bưng những bát cơm trắng bằng đôi tay còn vương đất ruộng, gắp lạc với dưa muối đựng trong tàu lá dong, ta lại thấy chạnh lòng, vừa biết ơn vừa cảm thấy có lỗi. Để làm ra được cơm gạo dẻo thơm chúng ta ăn hàng ngày, họ đã đổ xuống biết bao mồ hôi nước mắt, dầm mưa dãi nắng để chăm lúa đến ngày thu hoạch?

Ảnh internet

Khi con người ta thiếu thốn một chút về vật chất nhưng sao trên khuôn mặt họ luôn nở nụ cười rất tươi. Bởi vì họ bất lực với số phận chăng hay là họ luôn luôn biết đủ và hạnh phúc với những gì đang có.

Có những người con khi xem qua những bức ảnh này trong lòng họ thấy rưng rưng và dâng lên một niềm hạnh phúc và biết ơn đến bậc sinh thành. Cũng chính vì điều đó đã cho họ biết ý nghĩa của cuộc sống, giá trị của tình thương và sự hy sinh cao cả của bậc sinh thành.

Nhưng ở đâu đó cũng có người con thấy tự ti, thấy cuộc sống là bất công với họ khi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cơ cực vất vả. Là bởi vì họ chưa chạm tới được sự mộc mạc đơn sơ mà thấy ấm lòng đó hay vì một lý do nào khác…

ĐKN