4 bước giúp bạn đi qua quá khứ, biến vướng bận ưu phiền thành hạnh phúc

Nếu cứ mãi sốn g trong quá khứ , con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy suy nghĩ tiêu cực không biết trân trọng những phút giây hiện tại.  4 bước này sẽ giúp bạn có thể nhẹ nhàng bước qua cái bóng của quá khứ…

Buông bỏ qua khứ để tiếp nhận tương lai

Dưới đây là những lời khuyên hữu ích của nhà văn Leo Babauta:

Chúng ta liên tục phải vật lộn với quá khứ, bằng nhiều cách: Cảm thấy hối tiếc, xấu hổ về những sai lầm của mình; tức giận về điều ai đó đã làm đối với chúng ta; thất vọng về kết quả của một sự việc; mong muốn mọi thứ trở nên khác biệt.

Những gì đã xảy ra khiến chúng ta buồn, chán nản, tức giận, tổn thương.  Cho dù là không ý thức được, rất nhiều người trong chúng ta thường sẽ vướng bận quá khứ mãi mà không dứt. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể buông bỏ mọi thứ đã xảy ra và thay vào đó là sự hiện diện của khoảnh khắc hiện tại?

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể để quá khứ ở lại trong quá khứ, và tự giải thoát chính mình? Điều gì xảy ra nếu chúng ta có thể thấy rằng, việc giữ lại quá khứ thực sự đang làm chúng ta tổn thương trong hiện tại … và buông bỏ chính là một hành động yêu thương bản thân mình?

Đi qua quá khứ – Nó có thể thực hiện được, mặc dù không phải luôn luôn dễ dàng. Dưới đây là phương pháp tôi khuyên bạn, được chia làm 4 bước:

Bước 1: Đọc câu chuyện đang làm bạn tổn thương

Ngay bây giờ, bạn cảm thấy thống khổ hay khó khăn nào đó: phẫn nộ, uể oải, thất vọng, tiếc nuối, đau buồn hoặc thương tổn.

Cần lưu ý rằng, khó khăn này là do bất kể câu chuyện nào mà bạn lưu lại trong đầu (gần đây hoặc trong quá khứ xa hơn) gây ra. Bạn có thể vẫn khăng khăng rằng khó khăn hoặc đau đớn là do những gì đã xảy ra (không phải bởi câu chuyện trong đầu bạn). Nhưng những gì đã xảy ra đã không còn trong hiện tại, nó đi rồi. Loại thống khổ này lại vẫn tồn tại, nó là do những ý nghĩ dai dẳng mà thành.

Cũng cần lưu ý, “câu chuyện” không có nghĩa là “câu chuyện viễn tưởng” cũng không có nghĩa là “câu chuyện hiện thực”. Tại bối cảnh này, một từ “câu chuyện” này không liên quan đến tốt xấu, thật giả hoặc phán đoán nào đó. Nó chỉ đơn giản là một quá trình đang diễn ra trong đầu bạn:

  • Bạn nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra
  • Bạn có một quan điểm, phán đoán, nhìn nhận với sự việc xảy ra, và bạn cho rằng mình bị tổn thương
  • Điều này xúc phạm đến bạn

Vì vậy, bạn chỉ cần biết rõ có một câu chuyện này, không cần đi phán đoán nó hoặc phán đoán chính mình. Cuộc sống luôn hiện diện những câu chuyện như vậy, và bạn nhìn thấy nó nằm ở đó, nó mang đến cho bạn những thống khổ và mệt mỏi.

Biết trân trọng khoảng thời gian hiện tại

Bước 2: Đối diện với cảm giác của thể xác

Tiếp theo, bạn cần chuyển từ câu chuyện trong đầu … đến cảm giác trong cơ thể của bạn. Đây là cảm giác vật lý: nó có thể là thắt chặt trong ngực, một sự trống rỗng, một cơn đau, một năng lượng phát ra từ mọi hướng, một nỗi đau trong trái tim bạn…, nhiều vô số.

Rèn luyện bản thân đối mặt với cảm giác thể chất này, chuyển sự chú ý của bạn từ câu chuyện trong đầu sang cơ thể bạn.

Bình thường, chúng ta sẽ mưu cầu lảng tránh cảm giác thống khổ. Giờ đây, hãy dũng cảm đối mặt với chúng.

Ở lại và khám phá chúng với sự tò mò: Nó cảm thấy như thế nào? Nó nằm ở đâu? Nó có thay đổi gì không?

Nếu điều này trở nên không thể chịu đựng, hãy làm nó với liều lượng nhỏ, theo cách mà bạn cảm thấy có thể kham được. Nó có thể trở nên dữ dội hơn nếu những cảm xúc mãnh liệt hơn.

Nhưng đối với hầu hết các cảm xúc, chúng ta đều thấy rằng chúng không phải là sự kết thúc của thế giới, mà là thứ chúng ta hoàn toàn có thể chịu đựng được. Trên thực tế, nó chỉ là một chút khó chịu, không phải điều gì đáng để quá hoảng sợ.

Bảo trì một tâm tính cởi mở và thân thiện, cảm giác như bạn sẽ là một người bạn tốt. Bạn đang trở nên thoải mái với sự khó chịu, và đó là con đường của sự dũng cảm.

Bước 3: Hít thở, buông tay

Hít vào sự khó khăn của bạn, và thở ra sự từ bi. Thở vào bất cứ cảm giác khó chịu nào mà bạn cảm thấy, và thở ra cảm giác nhẹ nhõm thoát khỏi khó khăn đó. Bạn hít vào không chỉ là nỗi đau của riêng bạn, mà còn là nỗi đau của người khác.

Ví dụ:

Nếu bạn đang cảm thấy thất vọng, hít vào tất cả sự thất vọng của thế giới … sau đó thở ra sự bình hòa.

Nếu bạn cảm thấy buồn chán, hãy thở vào hết thảy nỗi buồn… rồi thở ra hạnh phúc.

Nếu bạn cảm thấy hối tiếc, hít vào tất cả sự hối hận của thế giới … rồi thở ra niềm vui và lòng biết ơn.

Làm điều này trong một phút hoặc lâu hơn, tưởng tượng tất cả sự thất vọng của những người xung quanh bạn đến trong mỗi hơi thở, và sau đó một cảm giác hòa bình phát ra cho tất cả những ai đang nản lòng.

Thay vì chạy trốn cảm giác khó khăn của mình, bạn đang ôm lấy nó, hấp thụ nó. Và bạn đang làm việc đó cho những người khác, điều đó giúp bạn thoát khỏi kiểu tư duy tập trung cứng nhắc của mình.

Khi bạn làm việc này, bạn đang bắt đầu buông bỏ cơn đau hoặc khó khăn của chính mình.

Hãy dám dũng cảm đối mặt với hiện thực, đừng thu mình trong quá khứ

Bước 4: Lòng biết ơn đối với hiện tại

Nếu như bạn cảm thấy rằng bạn đã buông bỏ, thay vì bị cuốn vào câu chuyện của mình lần nữa, hãy quay lại và xem hiện tại là gì.

Bạn thấy được gì? Bạn có thể đánh giá cao tất cả hoặc một số trong chúng? Bạn có thể biết ơn trước một điều gì đó ngay bây giờ không?

Bước này rất quan trọng. Bởi vì khi chúng ta đang mắc kẹt vào những điều đã xảy ra trong quá khứ, sẽ quên mất không chú ý đến hiện tại. Chúng ta không trân quý hiện tại, bởi tâm trí của chúng ta lấp đầy quá khứ.

Vì vậy, khi chúng ta bắt đầu buông bỏ quá khứ, thì chúng ta tựa như một “cái cốc trống rỗng” và rót đầy hiện tại vào đó.

Chúng ta nên quay về với hiện tại và tìm thấy sự biết ơn cho những gì đang có ở đây, thay vì lo lắng về những gì không có.

Khi chúng ta làm được điều đó, chúng ta đã biến những vướng bận của mình thành một khoảnh khắc hạnh phúc.

(Theo zenhabits.net)

Leo Babauta là một nhà văn, một vận động viên chạy marathon và là một người ăn chay trường. Ông đã từng vật lộn với bản thân để cải biến cuộc sống của mình một cách hoàn toàn trong vòng vài năm.

Leo Babauta hiện đang sống ở đảo Guam, là cha của sáu đứa con, tác giả của sáu cuốn sách, trong đó có cuốn “The power of less” (tạm dịch: Nghệ thuật của giản lược).

Trang web www.zenhabits.net của ông lọt vào Top 25 blog trên toàn thế giới với khoảng 225.000 người đọc thường xuyên. Zen Habits ra đều đặn 1-2 bài viết mỗi tuần về: Sự giản đơn, sức khỏe và sự lành mạnh, động lực và cảm hứng, sự thanh đạm, cuộc sống gia đình, hạnh phúc, mục tiêu, thực hiện những điều lớn lao và sống trong từng khoảnh khắc.