Hà Nội: Tận cùng nỗi đau, sự khốn khổ của một gia đình có nhiều người tâm thần

Sinh ra trong gia đình có nhiều anh chị em bị tâm thần, anh Thêm cũng trở nên ngớ ngẩn cười nói cả ngày. Những người con anh Thêm sinh ra cũng có biểu hiện không bình thường, thậm chí có đứa trẻ chỉ cười nói suốt ngày.

Nếu có dịp ghé qua thôn Võ Lao (Văn Võ – Chương Mỹ – Hà Nội) thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thêm, chị Đỗ Thị Phượng thì bất cứ ai cũng không khỏi rớm nước mắt bởi họ là những người đã và đang trải qua tận cùng của nỗi đau, sự khốn khổ.

Video: Cận cảnh 1 gia đình tại Hà Nội có nhiều người bị tâm thần.

Khó có thể miêu tả được cảnh cuộc sống khốn khó của cả gia đình, ở đó có những đứa trẻ hơn 10 tuổi mà ngây dại không bằng trẻ lên 3. Có đứa trẻ lại bị câm điếc, chỉ cười và ra những cử chỉ khó hiểu. Ái ngại hơn là người cô năm nay ngoài 30 nằm góc giường cười khanh khách, lúc sau lại phát ra tiếng khóc nỉ non…

Nằm dưới con đê dài, căn nhà được xây dựng cách đây mấy chục năm là nơi trú ẩn của gia đình anh Thêm và chị Phượng. Anh Thêm bị di chứng chất độc màu da cam từ cha của mình nên ngẩn ngơ suốt ngày, oái oăm thay những người con do anh sinh ra nhiều đứa cũng không bình thường.
Bà Đỗ Thị Xúi (70 tuổi) mẹ của anh Thêm, cho biết: “Đời tôi khổ lắm! Có được 8 đứa thì 3 đứa mắc bệnh. cả thì mất cách đây chưa lâu, con gái út thì mấy tháng nay cũng bị bệnh tâm thần, còn thằng Thêm là đứa thứ ba thì cũng không được khôn như người bình thường”.
Chị Nguyễn Thị Đượm (31 tuổi) là người con gái út trong gia đình từng lấy chồng và sinh sống trong TP.HCM nhưng 2 năm nay bệnh tái phát khiến chị phải nằm liệt góc gường. Tất cả mọi sinh hoạt cá nhân, ăn uống, vệ sinh đều phải phụ thuộc vào người mẹ già.
Nằm trên giường, chị Đượm có lúc cười khanh khách, lúc sau lại khóc nỉ non ai oán.
Anh Nguyễn Văn Thêm, sinh năm 1975 cũng bị ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam từ cha của mình. Tuy trí tuệ không khôn ngoan như người thường nhưng anh vẫn trò chuyện được và vẫn kể về vợ con, về cuộc sống hàng ngày.
Anh Thêm ngồi chơi cùng đứa con út của mình là Nguyễn Văn Tư (sinh năm 2014). Anh Thêm cho biết, từ khi sinh ra đến nay Tư bị câm điếc, không tự chủ được hành động của mình.
“Tư rất hiếu động, dù không nghe và không nói được nhưng lại rất thích gặm bất cứ thứ gì có thể cầm nắm được. Thậm chí, ngay cả việc đi vệ sinh cũng không tự chủ và chất thải có thể tìm thấy bất cứ đâu”, bà nội Tư cho biết.
Tuy không nghe nói được nhưng Tư luôn xòe bàn tay xin đồ ăn, kẹo bánh của người lạ. Mỗi khi xòe tay xin đồ ăn hay vật dụng, Tư nở nụ cười tươi rói…
Phía xa là hình ảnh chị Phượng đang đi làm đồng về. Thấy chị Phượng, anh Thêm chạy đón vợ như đứa trẻ lên 3, còn bé Tư cởi hẳn quần chạy chân đất ra ngóng cả cha và mẹ.
Gia đình anh Thêm, chị Phượng sinh được 5 người con, 2 người con đầu đi ở dưới Hà Nội, người con tên Năm tuy có nghe nói được nhưng lại ngẩn ngơ thích lấy bất cứ thứ gì cho vào miệng gặm, còn bé Tư lại là đứa trẻ ngẩn ngơ, câm điếc. Hoàn cảnh gia đình anh chị khiến những người xung quanh không khỏi xót xa.
Tư không kiểm soát được việc đi vệ sinh của mình nên chẳng mấy khi mặc quần, thậm chí cũng không có nhiều quần cho em mặc.
Tư đang cười khanh khách nhìn mẹ chuẩn bị đồ tắm cho mình, chị Phượng cho biết: “Khổ lắm nhưng chẳng biết kêu ai, hàng ngày tôi chỉ mò cua bắt ốc, còn anh Thêm thì ai kêu gì làm nấy”.
Nhiều người hàng xóm cho biết, chị Phượng cũng là người không bình thường, không nhanh nhẹn tháo vác như những người phụ nữ khác nhưng chị mặc kệ. Cuộc sống quá khốn khó, quá tủi nhục và khổ sở nên chị chỉ biết cố gắng hết sức lo cho chồng, mẹ già và những đứa con ngây dại.
Em Nguyễn Văn Chiểu (sinh năm 2005) là người con thứ 3 trong gia đình, Chiểu đã nghỉ học từ lâu hàng ngày ở nhà chăm nom nhà cửa và đan nón phụ giúp cơm cháo cho gia đình. Chiểu tâm sự, em học cũng biết chữ, dù khao khát đi học, đến trường nhưng gia đình quá nghèo nên đành phải ở nhà.
Công việc đan nón thuê mang lại thu nhập cho gia đình Chiểu từ 10-20 nghìn đồng/ngày. Cuộc sống của những người “điên” trong ngôi nhà “điên” cứ thế trôi qua lặng lẽ. Thi thoảng làng xóm thương cho lon gạo, quả trứng, miếng bánh cho tụi trẻ khiến chúng như bắt được vàng. Và dường như họ cũng đã quen với việc tiếng cười nói khanh khách rồi khóc nỉ non giữa xóm làng yên ả…

Theo Trí Thức Trẻ