“Đốt nhiều vàng mã không chỉ làm hại người chết mà người sống cũng mắc tội”

“Thay vì mua vàng mã đốt, con cháu hãy dùng số tiền này đi mua vật thực giúp các thân phận kém may mắn… để người chết và kẻ sống đều có phước”, Đại đức Thích Lệ Minh chia sẻ.

Trao đổi với PV ngày 24/2, Đại đức Thích Lệ Minh – Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, trụ trì chùa Thiện Mỹ (quận 5, TP HCM) cho biết, tục đốt vàng mã không phải là quan niệm của đạo Phật, cũng không phải là tín ngưỡng văn hóa người Việt Nam, mà nó có nguồn gốc từ Trung Hoa.

Tục này bắt đầu từ thời nhà Hán. Nguyên do vì nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là “thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn” và cho rằng người mất vẫn có những nhu cầu như kẻ còn sống về tiền bạc, nhà cửa, thực phẩm…

Nên khi nhà vua băng hà, quan lại phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua và rồi dân bắt chước quan.

Đại đức Thích Lệ Minh

“Ai cũng chôn tiền thật theo người chết. Kẻ trộm cướp biết vậy nên đào mồ những người giàu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị quân trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu”, Đại đức Thích Lệ Minh cho biết.

Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Dần dần việc đốt vàng mã trở thành tập tục.

Với quan niệm sau cái chết, con người cũng có nhu cầu như khi đang ở dương thế, một số người sắm đủ thứ vàng mã đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ như rằm tháng bảy, Tết Nguyên đán…, để người ở đã chết sử dụng ở cõi âm.

Theo Đại đức, hiện nay, người ta sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động, tiền mô phỏng đô la… để đốt người đã chết. Nhiều người cho rằng, đốt nhiều vàng mã thì sẽ càng được phù hộ độ trì, làm ăn phát đạt.

Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ cháy xảy ra do nhiều người dân hay mang vàng mã đến chùa đốt. Món này khi đốt dễ bắt lửa, làm cháy lan sang những đồ vật khác.

“Thay vì mua vàng mã để đốt, con cháu hãy dùng số tiền này đi mua vật thực giúp cho người nghèo, người kém may mắn hơn mình rồi hối hướng cho người đã mất. Nếu làm được như vậy thì cả người sống và người chết đều có phước. Còn mua vàng mã, tiền giấy đốt thì không chỉ làm hại người chết mà người sống cũng mắc tội mê tín, lãng phí.

Muốn được về nơi an ổn sau khi chết thì không có cách nào khác là tu dưỡng nội tâm, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý và làm nhiều việc lành”, Đại đức Thích Lệ Minh chia sẻ.

Trước đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn do Hòa thượng Thích Thanh Nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Ảnh minh họa

Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.

“Đề nghị chư tôn đức Tăng ni nêu cao tinh thần bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Trong các bài giảng chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội. Lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn”, công văn nêu.

Theo Soha