Điêu đứng sau vụ vỡ nợ chấn động Nghệ An: Cụ bà chết không nhắm mắt vì bị con nợ quỵt tiền tích góp cả đời để lo hậu sự (P.2)

Đến lúc hấp hối, cụ Hiên vẫn đòi con cháu đi tìm bà Hoa để đòi lại số tiền bà dành dụm cả cuộc đời để lo hậu sự cho mình.

Lừa tiền lo hậu sự của cụ bà 96 tuổi

Đã 3 năm trôi qua, kể từ ngày bà Hồ Thị Hoa (52 tuổi, xóm 12, xã Quỳnh Thach, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tuyên bố vỡ nợ, gây chấn động vùng quê nghèo, hàng chục dân nghèo là anh em ruột thịt, là bà con lối xóm của bà Hoa vẫn ngày đêm ăn ngủ không yên, gia đình tan nát, người quẩn trí đòi tự tử. Cuối cùng, họ vẫn phải kiên nhẫn trông chờ cơ quan chức năng giải quyết, đợi bà Hoa về để đòi nợ.

Cụ Hiên qua đời vẫn không an lòng nhắm mắt vì số tiền tích góp cả đời bị bà Hoa lừa gạt

Đắng lòng nhất là hoàn cảnh của cụ Nguyễn Thị Hiên ( thường gọi là cụ Lòn, 96 tuổi, hàng xóm của bà Hoa). Con cái của cụ Hiên đều nghèo khó. Khi đã lo cho con yên bề gia thất, cụ sống một mình trong căn nhà nhỏ rộng chừng 5m2.

Tích cóp cả cuộc đời bằng việc đi gặt thuê, mò cua, bắt ốc, bán rau, cụ mới dành dụm được số tiền 11 triệu đồng cùng 3 chỉ vàng. Cụ dự định sau này, trước khi chết sẽ giao lại số tiền kia cho con cháu để mua cỗ quan tài, lo việc ma chay.

Bà Lê Thị Chiện (con gái cụ Hiên) kể lại: “Nhà bà Hoa cách nhà mẹ tôi chỉ vài bước chân. 3 năm trước, lợi dụng mẹ tôi sống một mình, bà Hoa tìm đến dùng lời ngon ngọt, bảo mẹ tôi có tiền thì đừng để trong nhà, chẳng may mất trộn. Khuyên mẹ tôi đưa cho bà ấy cất giữ, hàng tháng sẽ trả cho mẹ tôi vài chục nghìn để mua cá.

Nghĩ bà Hoa nói có lí nên mẹ tôi giao hết số tiền, vàng xưa nay tích góp cho bà Hoa. Suốt 3 năm qua, kể từ ngày biết bà Hoa vỡ nợ, bỏ đi biệt tích, dù tuổi già sức yếu, không thể đi lại nhưng hàng ngày, mẹ tôi vẫn nhờ một số người hàng xóm cõng lên nhà bà Hoa để đợi đòi tiền”.

Bà Hoa thừa nhận đã vay của cụ Hiên 11 triệu và 3 chỉ vàng

Cũng theo bà Chiện, từ ngày cho bà Hoa vay tiền đến ngày thông báo vỡ nợ, cụ Hiên chưa được nhận bất kỳ đồng tiền lãi nào từ phía người phụ nữ này. Bà Hoa cũng chưa hề mua cho cụ Hiên một con cá hay miếng trầu như đã hứa trước đó.

Được biết, dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng cụ Hiên vẫn còn rất minh mẫn. Trước cơ quan chức năng, bà Hoa cũng đã thừa nhận đã vay cụ Hiên số tiền trên và hứa hẹn khi nào có sẽ trả.

“Chừng ấy tiền vàng không phải lớn đối với người khác nhưng với cụ Hiên, đó là tài sản mà suốt cả cuộc đời cụ vất vả lắm mới tích góp được. Khổ thân, ở tuổi cuối đời nhưng hàng ngày cụ vẫn hái từng bó rau, chống gậy ra chợ bán kiếm vài đồng mua cá ăn qua ngày. Vậy mà bà Hoa nỡ nhẫn tâm lừa gạt, chiếm đoạt. Cũng vì uất ức khi bị bà Hoa lừa gạt mà cụ Hiên sinh ốm đau, đến lúc chết vẫn không yên lòng nhắm mắt”, chị Nguyễn Thị Bảy (hàng xóm cụ Hiên) chia sẻ.

Bà Chiện (con gái cụ Hiên) chia sẻ sự việc với PV

Chết cũng không an lòng nhắm mắt

Ngước đôi mắt nhòa lệ nhìn lên di ảnh người mẹ vừa qua đời, bà Chiện cho biết, dù nằm một chỗ, sự sống được tính từng ngày nhưng ngày nào cụ Hiên cũng hỏi bà Hoa về chưa? Cụ Hiên còn đòi người cõng cụ sang nhà bà Hoa để lấy tiền, dù ngôi nhà đó bà ta đã bán cho người khác. Rồi cụ lại khóc khi cho rằng mình quá dại dột, sống đến cuối đời lại bị một kẻ đáng tuổi con cháu mình lừa gạt.

“Mẹ tôi qua đời cách đây một tháng. Trước lúc qua đời bà vẫn khóc, trăn trối với con cháu cố gắng vay mượn đâu đó để lo ma chay cho mẹ. Sau này bà Hoa về trả tiền thì lấy đó mà trang trải nợ nần.

Dù thế nào tôi vẫn phải cố gắng để sống, đòi lại số tiền mà bà Hoa đã vay để dưới suối vàng, mẹ tôi an lòng nhắm mắt.

Tôi không hiểu sao một kẻ lừa đảo dân nghèo hàng tỷ đồng một cách trắng trợn như bà Hoa suốt 3 năm qua vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong khi dân lại điêu đứng. Thậm chí chết vẫn không được yên lòng nhắm mắt như mẹ tôi”, bà Chiện bức xúc.

Căn nhà tạm bợ của cụ Hiên ở trước lúc qua đời

Theo thông tin đã đưa, tính trong vòng 2 năm (2013 đến 2015) bà Hồ Thị Hoa đã dùng lời ngon ngọt để lừa đảo, chiếm đoạt trên 2 tỉ 307 triệu đồng cùng một số vàng, bìa đất của 30 hộ dân.

Điều đáng nói, nạn nhân của bà Hoa đều là anh em họ hàng thân thích, là bà con lối xóm, thông gia. Trong đó có những người tàn tật, người già, neo đơn.

Theo Afamily