Đau lòng nghe tiếng khóc khát sữa của cháu bé chưa đầy 3 tháng tuổi mồ côi mẹ, sống trong vòng tay yếu ớt của bà ngoại

Từ khi được sinh ra cho đến nay, bé chưa hề được ôm bầu sữa mẹ. Để nuôi cháu, bà ngoại đã phải dùng sữa ngoài, thế nhưng có nhiều lần bà phải cho cháu ăn bột gạo vì không có tiền mua sữa.

Đau lòng nghe tiếng khóc khát sữa của cháu bé chưa đầy 3 tháng tuổi mồ côi mẹ, sống trong vòng tay yếu ớt của bà ngoại

Còn mấy ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thế nhưng ngôi nhà của bà Trương Thị Sinh (SN 1975) trú tại xóm Kẻo, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vẫn chưa được quét dọn, sửa sang đón năm mới.

Không gian tĩnh mịch bất ngờ vang lên tiếng khóc khát sữa của bé gái, từ dưới bếp bà Sinh lật đật chạy lên quệt hai tay vào chiếc quần sờn, rồi ôm người cháu lên vỗ về “bà thương, bà thương”.


Nghe tiếng cháu khóc, bà Sinh lật đật từ nhà bếp chạy lên ôm vỗ về

Gia đình chỉ làm nông, vợ chồng bà Sinh có 3 người con, cuộc sống đang vô cùng khó khăn. Cố gắng chăm sóc các con đến tuổi trưởng thành, bà cứ nghĩ từ nay sẽ đỡ lo phần cơm áo gạo tiền. Thế mà không ngờ, đến cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi vui vầy với con cháu thì bà một lần nữa phải làm “mẹ” đứa cháu tội nghiệp của mình.

Từ khi sinh ra đến nay, cháu tôi có được bú sữa mẹ lần nào đâu, toàn phải ăn sữa ngoài. Nhiều khi trong nhà hết tiền, tôi phải cho cháu ăn bột gạo. May mà giờ cũng được 5 tháng rồi, cháu ngoan, phát triển tốt và không hề kén ăn”, bà Sinh vừa đung đưa giỗ cháu ngủ vừa kể chuyện, sau khi cho cháu ăn sữa.

Cháu bé òa khóc vì đói sữa

Người cháu này là con của chị Trương Thị Đường (SN 1998), con gái thứ 2 của bà Sinh. Tốt nghiệp cấp 3, chị Đường đi làm công nhân ở Bắc Ninh rồi gặp và yêu anh Đỗ Đình Đăng (SN 1994, quê Bắc Giang). Tháng 6/2017, đôi trẻ quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân.

“Gia đình bên nội cũng không khá giả gì cả, nên khi có thai thì Đường xin nghỉ việc về nhà để chuẩn bị vượt cạn. Con nào cũng là con, nên vợ chồng tôi cũng hết lòng chăm sóc, không ngờ rằng số con tôi lại yểu mệnh”, mắt bà Sinh rơm rớm nước mắt khi nhìn xuống người cháu đang thiêm thiếp ngủ. Mấy tháng nay chẳng đêm nào bà ngủ tròn giấc khi hết chăm con đến chăm cháu.

Hai ngày trước khi sinh, chị Đường bị sốt và được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ theo dõi. Vừa tới nơi thì chị Đường có dấu hiệu chuyển dạ và được đưa vào phòng đẻ. Không ngờ vừa sinh được một người con gái, chị Đường đã rơi vào hôn mê sâu, tính mạng bị đe dọa phải chuyển bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để chăm sóc đặc biệt trong tình trạng bị nhiễm khuẩn đường máu và tắc mạch máu não.

Tại đây, sau một tháng chữa trị bệnh tình của chị không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Thương con, bố mẹ và chồng chạy vạy vay mượn khắp nơi rồi tiếp tục đưa chị ra bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội để điều trị.

Sau hơn 2 tháng, chị Đường về nhà trong tình trạng sức khỏe yếu, không còn cách chữa trị. “Khi về nhà thì con tôi gần như đã mất ý thức, chỉ vài lần tỉnh nhưng cũng chẳng nói được gì nữa. Tôi vừa thương con, lại xót xa cho cháu. Bé chưa một lần được bú mẹ, nằm cạnh mẹ mà chẳng được ôm ấp, vỗ về”, bà Sinh nghẹn ngào cho biết. Cho đến rạng sáng 25/11/2017, chị Đường qua đời khi chỉ mới 19 tuổi.

Mẹ mất, bố đi làm ăn, bà Sinh trở thành “người mẹ” của cháu

Bà Sinh cho hay, từ khi bắt đầu thời gian sắp sinh thì chồng của chị Đường có bỏ việc trở về Nghệ An chăm vợ. Tuy nhiên, sau khi làm đám tang cho vợ xong, người chồng đã ngược ra Bắc để tiếp tục đi làm kiếm sống và người cháu nhỏ được vợ chồng bà Sinh chăm sóc cho đến nay.

“Một số lần bố cháu có gọi về hỏi thăm sức khỏe và xin được đưa cháu ra ngoài chăm sóc. Nhưng suy đi tính lại thì bố cháu còn quá trẻ, chưa biết cách nuôi nấng cháu nhỏ và còn cả tương lai phía trước, trong khi ông bà bên đó đã già yếu. Nên chúng tôi nói là cứ để đây cho cháu cứng cáp đã, đến khi kinh tế ổn định thì hẵng đưa cháu ra nuôi”, bà Sinh thở dài.

Nói là như vậy nhưng hiện giờ trong nhà những thứ gì có giá trị cũng đã bán đi để chữa trị cho chị Đường, vì vậy bà cũng không biết phải sống tiếp như thế nào vào thời gian tới.

Theo bà Sinh ước tính, thời điểm chị Đường điều trị tại bệnh viện, chi phí mỗi ngày lên đến 4 triệu đồng, số tiền quá lớn đối với gia đình nông dân nghèo như vợ chồng bà. Để chạy chữa cho con gái, gia đình bà đã vay mượn trên 200 triệu đồng, trong đó gần 100 triệu phải thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng. Số còn lại vay mượn anh em hai bên nội ngoại và bạn bè.

“Tết sắp đến rồi mà chúng tôi cũng chưa chuẩn bị được gì, lo trả nợ còn chưa xong nữa là nghĩ đến việc mua sắm. Thôi thì năm nay ăn Tết tiết kiệm một chút cũng được, nghèo khổ lâu rồi nên tình trạng hiện giờ có thấm vào đâu”, bà Sinh gượng cười khi nói về năm mới sắp đến. Điều gia đình quan tâm vào lúc này chính là sức khỏe của cháu, đây là giọt máu của con gái bà nên dù bằng cách nào vợ chồng bà cũng phải nuôi nấng cháu nên người.

Cháu bé ngủ thiếp trong vòng tay bà.

Trao đổi về hoàn cảnh gia đình, ông Đặng Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ xác nhận sau những ngày chống chọi với căn bệnh “quái ác” chị Trương Thị Đường đã từ giã cõi đời và để lại đứa con gần 4 tháng tuổi cho mẹ đẻ nuôi dưỡng chăm sóc.

“Gia đình bà Trương Thị Sinh là hộ cận nghèo, kinh tế chủ yếu làm nông. Người con đầu đi làm trong miền Nam, chị Đường chẳng may vừa qua đời để lại con nhỏ, phía sau có một người con đang học cấp 3 nên hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Ngôi nhà mới xây còn nợ, giờ tiền chữa trị cũng phải vay mượn. Vì vậy rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Nam cho hay.

Theo WTT