Có phải ganh đua là động lực giúp bạn thành công, quan điểm của Phật giáo về ganh đua

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của so bì và đua tranh. Chúng ta được dạy rằng nếu không có tinh thần ganh đua thì sẽ vô tình mất đi một động lực để mình cố gắng.

Sự ganh đua đó giống như chuẩn mực để bạn cần cố gắng thêm bao nhiêu, thêm bao lâu để làm tốt hơn những người bên cạnh đã đạt được.

Đó là biện pháp tối ưu thúc đẩy con người nỗ lực hoàn thiện bản thân và cải tạo hoàn cảnh; giúp tạo ra một môi trường kỳ vọng và nhờ đó các tiêu chuẩn không ngừng được nâng cao. Vậy ganh đua liệu có phải là con đường duy nhất mang lại cho bạn thành công trong cuộc sống?

Steve Job, người sáng lập hãng Apple, từng nói: “Chúng ta có thể thành công bằng con đường riêng của mình mà không nhất thiết phải đi theo hay cạnh tranh với ai”.

Ảnh minh họa

Theo quan kiến của đạo Phật, ganh đua đúng cách có nghĩa là mọi người cùng phấn đấu để giúp ích cho nhiều người. Hôm nay có người giúp đỡ được mười ngàn người, ngày mai có người cố gắng noi gương ấy để giúp được nhiều người hơn. Trong ngắn hạn có thể ganh đua, cạnh tranh lẫn nhau nhưng động cơ và định hướng lâu dài vẫn luôn phải hướng đến mục tiêu mang lại điều hữu ích cho cuộc sống, cộng đồng và rộng ra là tất cả chúng sinh hữu tình.

Tuy nhiên, vì vô minh nên hầu hết chúng ta luôn để cho sức ép của sự ganh đua, so bì đè nặng lên vai. Chúng ta ghen tỵ với người khác, hoài nghi về bản thân, cảm thấy tự ti và kém cạnh. Công cuộc kiếm tìm sự hoàn hảo, cố gắng trở thành nhân vật “số Một” sẽ hủy hoại tâm hồn chúng ta. Hoàn hảo là mục tiêu bất khả thi và thất vọng là điều không tránh khỏi.

Tuy rằng cạnh tranh có thể là động lực thúc đẩy chúng ta vươn tới những tầm cao mới thì nó cũng tạo nên tâm lý hơn thua và khiến ta lo lắng. Tâm ganh tỵ khiến chúng ta thậm chí không tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc mình đang có. Thay vì hoan hỷ trước thành công hạnh phúc của người khác, chúng ta nhìn họ đầy thèm muốn và đố kỵ. Hoặc đến khi thành đạt, chúng ta lại tự mãn, cúi nhìn người khác bằng ánh mắt coi thường của kẻ ở trên. Dù rất vi tế nhưng chính tâm ganh đua tiêu cực này là nhân tái sinh vào cõi A-tu-la.

Vì sao tâm ganh ghét, đố kỵ là nhân tái sinh trong cõi A-tu-la?

Ảnh minh họa

Cũng giống như ngã mạn, đố kỵ rất gian xảo và có thể đầu độc tâm ta bất kỳ lúc nào. Trong ngũ độc, sân giận và ham muốn không vi tế như thế bởi ta có thể dễ dàng nhận diện khi chúng sinh khởi. Giống như ngã mạn có thể bị nhầm lẫn với tự tin, ganh đua cũng dễ dàng bị nhầm lẫn với sự nỗ lực hết mình để thành công trong cuộc sống. Khi đã nỗ lực hết mình, chúng ta dễ so sánh ta – người và trở nên ghen tị khi thấy người khác làm tốt hơn mình.

Sự ghen tức là một cảm xúc rất khổ sở. Nó khiến chúng ta không thể học hỏi và trưởng thành, nó tạo ra hiểu nhầm ở mọi nơi, che mờ những cố gắng của ta. Ngay cả khi đã cố gắng hết mình thì sự hiện diện của ganh đua, đố kỵ vẫn gây nhiễm ô, khiến cuộc sống chúng ta trở nên vô cùng bức bách, khó chịu!

Ngay cả khi bạn giàu có hơn rất nhiều người dân ở châu Phi chẳng hạn, bạn vẫn nghĩ mình thua thiệt. Bạn không bao giờ so sánh mình với những người kém may mắn hơn mình mà luôn dằn vặt với những người giàu có hơn. Hàng triệu đô la trong ngân quỹ hay nhà cao cửa rộng đều không làm bạn hài lòng. Bạn có vợ đẹp, con khôn nhưng vẫn là chưa đủ, cho dù bạn chỉ thua kém người khác không tày một gang tay. Kéo theo đó là tâm sân giận. Như vậy, ganh đua, đố kỵ hủy hoại hạnh phúc của bạn. Bạn không thể kiểm soát được mình mà ngược lại, chính tâm đố kỵ lại kiểm soát bạn.

Theo quy luật Nghiệp, nghiệp báo của tâm ganh đua, đố kỵ là sự tái sinh trong cõi A-tu-la. Tuy được phúc báo sung sướng nhưng họ luôn tranh đấu, so bì với cõi Trời. Chính vì vậy, họ phải chịu đựng rất nhiều khổ đau.

Cảnh giới cõi A-tu-la

Cõi A tu la thấp hơn cõi Trời và là cảnh giới gần cõi Trời. Chúng sinh cõi này tuy cũng được hưởng đời sống vật chất sung sướng nhưng luôn có tâm đố kỵ, ganh ghét, dẫn đến nạn hay đi đánh nhau với chư Thiên cõi Trời. Các A tu la có thể thấy được cuộc đời toàn hảo của các vị Thiên trên Thiên giới và do đó sinh tâm ghen tỵ, vì trong chừng mực nào đó, chư Thiên có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Họ cứ thế tranh đấu cả đời và thường bị thua cuộc, phải đối diện với sự thất bại, cái chết đau đớn trên chiến trường… Mưa tại cõi này thường tạo ra gươm đao nên cảnh giới A tu la luôn tràn đầy sự khổ đau.

Theo Daibaothapmandalataythien.org