Chuyện lạnh người dọc đèo Hải Vân: Lãnh địa hài nhi bị bỏ rơi và công việc an ủi các linh hồn

Trên con đường Quốc lộ 1A Bắc Nam, đèo Hải Vân (Huế- Đà Nẵng) luôn được biết đến với sự hiểm nguy, cách trở. Nhưng gần 10 năm nay, thỉnh thoảng lại bắt gặp một nhóm người đi đường dừng lại vội vã thắp đôi nén hương cho những ngôi mộ hoang phế hai bên đèo.

Bên trong phần lớn mộ phần ấy là những sinh linh bé bỏng vừa chào đời, bị cha mẹ nhẫn tâm bỏ rơi rồi được dân buôn bán, người địa phương và du khách chôn cất, thờ cúng…

Lãnh địa hài nhi bị bỏ rơi

Từ khi hầm Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) được đưa vào sử dụng năm 2005. Kể từ đó đến nay, con đường đèo Hải Vân phần lớn dành cho khách du lịch và dân “phượt” ưa mạo hiểm.
Chỉ tính hai bên đèo Hải Vân thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc, đã có hàng chục nấm mộ hoang, chúng mọc lên ngày một dày. Hầu hết những ngôi mộ này không đề tên tuổi, không quê quán, không xác định thời gian chôn cất… vì còn quá nhỏ. Nói cách khác, vẻ ngoài của những ngôi mộ cho thấy sự sơ sài, vội vã mà những người không ruột thịt xây cất lên.

Tuy nhiên, với bà Thân Thị Cúc (50 tuổi, ngụ dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc) việc xây cất, chăm sóc “nhà” cho những sinh linh xấu số lại được bà xem như công việc hằng ngày của mình. Cứ tờ mờ sáng, bà Cúc lại chở hàng từ nhà lên đến quán nước dựng giữa đèo để buôn bán. Bà đều đặn dừng xe trước những ngôi mộ để quét dọn, hương khói. Bà Cúc cho biết, sỡ dĩ mộ được xây hoặc đắp rất nhỏ vì nơi an nghỉ dành cho những hài nhi xấu số.

Bà Cúc hương khói cho những ngôi mộ mình chôn cất.

Có hơn 10 năm lấy quãng đèo nguy hiểm Hải Vân làm nơi sinh sống, bà Cúc chưa bao giờ quên buổi sáng tinh mơ ngày 10/10/2005. Như thường lệ, xe bà Cúc rì rì chở mấy két nước ngọt lên đèo, đột nhiên bị thủng săm phải dừng lại.

Trong lúc điện thoại chờ chồng mang đồ nghề lên vá, bà bước qua lan can vào bên trong lề đèo cho an toàn. Vừa định ngồi nghỉ, bà phát hiện dưới chân mình có một túi nilon màu đen, được buộc rất cẩn thận. Tò mò mở ra, bà Cúc giật nảy người. “Bên trong, một hài nhi bị kiến bu đen sì, nhưng vẫn còn thở thoi thóp, mắt trừng trừng nhìn tôi.

Cố gắng trấn tĩnh, tôi phủi kiến, bế đứa bé lên mà nựng: “Ba mẹ bỏ rơi con, bà đến cứu đây”. Nhưng ngay sau lời ấy, đứa bé ọ ọe vài tiếng “đáp lại” rồi qua đời”, bà Cúc chua xót nhớ lại.

Biết đứa trẻ đã chết vì không chịu được đói khát và cái lạnh như cắt trên lưng chừng đèo nên khi chồng đến nơi, bà quyết định đưa về gần quán chôn cất cho tiện bề trông coi, hương khói.

Tuy nhiên, chồng bà Cúc ngăn lại. Theo ông, cứ chôn tại nơi phát hiện để dễ nhận biết. Do đó, nấm mộ nhỏ được cất lên ngay bên cạnh lan can đèo. Hàng năm, bà Cúc lấy ngày phát hiện thi thể đứa bé làm ngày giỗ, thắp hương cầu nguyện.

Bà Cúc kể, từ ngày phát hiện hài nhi bị bỏ, hình ảnh đứa bé đỏ hỏn cứ ám ảnh và theo vào giấc ngủ chập chờn của bà. Dù nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực, nhưng kể từ ngày đó, bà Cúc luôn có cảm giác bị thôi thúc phải dậy thật sớm, song song chạy xe đến quán nước, bà còn phải quan sát, dò kỹ hai bên đường để tìm xem còn có hài nhi nào bị bỏ không. Cứ thế cho đến nay, bà Cúc đã đứng ra chôn cất, xây đắp và thờ cúng đến 6 ngôi mộ hài nhi trải dọc lưng chừng đèo.

Cách địa điểm buôn bán của bà Cúc chừng 15m, quán nước của bà Đoàn Thị Cam (54 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu) cũng được dựng lên để làm kế mưu sinh trong 25 năm qua. Và cũng từng ấy thời gian, bà Cam bắt gặp đến hàng chục thai nhi bị vứt bỏ đều đã chết.

Trước sự vô tâm của người cha, người mẹ nào đó nhẫn tâm tước đi quyền sống của con mình, với mỗi thi thể, bà đều vội vàng đưa gạch và xi măng lên xây lại thành các ngôi mộ cho khỏi bị mất dấu.

Không chỉ bà Cúc, bà Cam, việc chôn cất những đứa trẻ xấu số năm này qua năm khác, đều được những bán nước quanh đèo như: bà Nguyễn Thị Nhâm (45 tuổi), Lê Thanh Nhàn (53 tuổi), chị Nguyễn Thị Thịnh (31 tuổi) hay những tiều phu như bà Nguyễn Thị Ninh (55 tuổi), anh Lê Văn Hinh (37 tuổi, cùng ngụ phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng)… chung tay hành động. Dù không đếm xuể, nhưng theo bà Cam ước tính, có khoảng hơn 50 ngôi mộ như vậy mọc ở lưng chừng đèo đang được nhiều người quán xuyến.

Công việc an ủi các linh hồn

Theo bà Ninh, người phụ nữ có tới gần 30 năm kiếm sống bằng nghề lấy củi trên đèo Hải Vân, đa số đứa trẻ này đều bị bỏ rơi khi bóng tối buông xuống. Sau một đêm nằm dưới sương khuya lạnh buốt, đói khát, khóc khàn cổ… chúng phần lớn sẽ chết trước khi được phát hiện.

Dọc hai bên đường đèo, những ngôi mộ không có tên tuổi mọc thêm hàng năm

Để linh hồn các hài nhi được siêu thoát, người dân địa phương cứ vào những ngày rằm, đầu tháng hoặc lễ tết, họ lại lui tới cúng bái, cầu nguyện. Cả người đi đường cũng vậy, trước khi lên đèo, đều có thói quen dừng lại mua thêm vài bó hương mang theo thắp, nhằm cầu cho các sinh linh vô tội được yên lòng nghỉ nơi núi non lạnh lẽo.
Bà Ninh ngậm ngùi: “Nếu chúng tôi không làm như vậy, lỡ may có cháu nào bị bỏ rơi, nằm ngoài sương gió thời gian dài thì tội lắm”. Đặc biệt hơn, như lời bà Ninh, bà Cam, bà Cúc… xác nhận: “Các bé tuy còn nhỏ nhưng “thiêng’ lắm. Có nhiều cháu còn tự dẫn đường cho các cô, các chú tìm tới thi thể mình nữa”.

Như muốn tăng thêm độ xác thực, bà Cúc dẫn chứng: “Từ ngày làm công việc này, tui được rất nhiều bé báo mộng, như cái mộ chôn mới nhất vào tháng 4/2015. Đêm hôm trước tôi nằm mơ có người mẹ mang bụng bầu rất to, đứng khóc giữa trời mưa.

Linh cảm lạ, qua ngày mới được 3 tiếng, tôi đã thức dậy gọi chồng đưa giúp mình lên đèo. Trên đường đi, quả thật tôi phát hiện 1 hài nhi đã chết, nhưng sờ vẫn còn ấm lắm. Hóa ra cháu mới bị vứt bỏ rồi báo mộng nhờ tôi giúp. Nếu đợi đến giờ tôi đi làm bình thường, chắc thân thể cháu đã bị kiến, côn trùng bu đầy”.

Tiếp lời bà Cúc, bà Cam kể thêm, cũng có đêm, bà nằm mơ thấy một bà cụ từng làm nghề đi củi ở trên đèo nhưng đã chết được mấy năm hiện về bảo rằng, có một thằng bé “đang nằm đợi con”. Qua hôm sau, bà Cam tìm thấy một túi ni lon đựng một đứa bé vừa tượng hình để bên đường.

Nhớ lời cụ già báo mộng, vợ chồng bà Cam sau khi chôn cất còn ghi thêm trên bia mộ hai chữ “bé trai”. Ngoài ra, còn có bé báo mộng, đứng khóc lóc bảo đừng giẫm vào cháu, hóa ra thi thể cháu bé lúc phát hiện còn kẹt dưới 1 phiến đá, có thể do người vứt bỏ sợ thú hoang tha đi mất mà chèn vật nặng lên trên.

Đặc biệt, trong số những thai nhi được mang về mai táng, có những bé còn thở. Do đó, bà Cam hay ai… từng gặp phải trường hợp này, đều mang các bé lau rửa, ủ ấm bằng sự tận tâm và lòng yêu thương trong vài phút trước khi đứa trẻ chết hẳn, mới mang chôn.

Nhiều người nhận định, các sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi, phần lớn được sinh ra từ những mối tình nông nổi của các cô gái đang ở tuổi tới trường. Những sinh viên, học sinh ấy vì trót có thai quá ngày không thể tới các cơ sở y tế phá bỏ nên họ đành chờ ngày sinh nở. Để không phải chịu tiếng xấu, sinh con xong, các em liền đem một phần máu mủ của mình lên đèo Hải Vân vứt bỏ.

Một số khác bỏ những thai nhi mới tượng hình, có thể lúc đưa đi phá mang về, lại không biết để đâu, hay chôn cất thế nào… cứ thế chở lên đèo Hải Vân ném bừa. May mắn, các cháu được an ủi từ những người “bạo gan” như các bà, các chú, các chị…mưu sinh trên đèo.

Theo baophapluat.vn