Chuyện lạ lùng: Có bệnh nhưng năm lần bảy lượt xin xã được hưởng chế độ hỗ trợ tâm thần, khuyết tật nhưng không được duyệt (phần 1)

Trong bức thư gửi tới tòa soạn báo có chữ ký của nhiều người dân trong xã, anh Nguyễn Đức Thịnh, người dân tại xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho hay nhiều người bị bệnh tật, tâm thần thực sự tại địa phương chưa được hưởng chế độ chính đáng.

Thái Bình: Hàng chục người khỏe mạnh, buôn bán tính toán vanh vách bỗng “hóa tâm thần”? (Phần 2)

Nhỡ mai mẹ chết, con tâm thần lấy gì mà ăn?

Ngoài những trường hợp điển hình như cụ Đỗ Thị Nụ, 90 tuổi nghêu ngao hát, cười, hờ khóc suốt ngày; ông Huấn “người rừng”, ông Đông mù nhặt đồng nát đã nêu ở những kỳ trước, xã Hiệp Hòa còn nhiều trường hợp tâm thần, khuyết tật khác vẫn chưa được hưởng chế độ hỗ trợ mặc dù đã làm đơn xin xét duyệt.

Ông Huấn “người rừng” sống một mình trong khu ổ chuột của ông ở xã Hiệp Hòa. Ảnh: Thu Hà

Bác Đỗ Thị Thu, 66 tuổi có người con trai là Vũ Văn Hiếu, sinh năm 1980. Anh Hiếu phát hiện bị u não năm 13 tuổi. “Lúc đó, Hiếu hay kêu đau đầu, buồn nôn, có khi đang ăn tay chân run lẩy bẩy, buông luôn bát đũa. Sau khám ở bệnh viện tỉnh, cháu được chuyển lên bệnh viện Nhi Thụy Điển và cuối cùng là bệnh viện Việt Đức thì phát hiện u não. Trong năm đó, cháu phải mổ tới ba lần. Sau khi mổ, cháu được cứu sống nhưng từ đó đến nay mất trí, làm gì cũng chậm chạp”, bác Thu chia sẻ.

Năm nay anh Hiếu 38 tuổi nhưng vẫn phải sống phụ thuộc vào bàn tay chăm sóc của mẹ. Bởi anh rất hay quên, thậm chí trời rét cũng không biết mặc quần áo, đi xa một chút là không biết đường về nên anh không thể đi làm.

Nhiều khi, Hiếu có nghĩ tiêu cực về bản thân. Là một người mẹ, bác Thu quặn lòng vì thương con. Nhưng bác bảo lúc nào cũng phải tươi tỉnh, kìm chế cảm xúc trong lòng để nuôi con.

Cuộc sống của hai mẹ con bác Thu chỉ có 5 sào ruộng để bám vào, không có thu nhập gì thêm. Được mùa thì 5 sào ruộng cho 6 tạ thóc vừa để bán, vừa để nhà ăn. Nhưng nếu chẳng mat mất mùa thì chỉ được vài chục kg thóc. Vừa rồi, mấy sào ruộng bị ngập nước, bác phải kéo thuyền vớt từng bông lúa nhằm vớt vát lấy chút thóc còn lại.

Bác Thu chỉ canh cánh một điều “lỡ mai bác mất, Hiếu lấy gì mà ăn”. Bác Thu đã làm đơn ra xã xin được xét duyệt chế độ hỗ trợ người tâm thần nhưng không được xã đồng ý. Trao đổi với PV Emđẹp, bác Thu một mực khẳng định: “Gia đình không dám đòi hỏi cao sang, chỉ mong con được hưởng đúng chế độ”. Bản thân bác Thu cũng đang bị bệnh đục thủy tinh thể, một mắt đã chữa, một mắt nhìn không rõ nhưng do quá nghèo nên đành phó mặc.

Nỗi đau con độc thân chăm mẹ nằm liệt giường

Chúng tôi tiếp tục tới thăm nhà cô Nguyễn Thị Miền, 53 tuổi, xóm Tân Sơn, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa). Nhà cô Miền không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ, vài bao tải thóc và một cái đài bé tí để nghe tin tức hàng ngày.

Bà Xuân, 86 tuổi, mẹ đẻ của cô Miền nằm liệt giường 3 năm nay vì di chứng bệnh nhồi máu não vào tháng 4/2015. Cô Miền cho biết, mặc dù bà bị bệnh 3 năm nhưng bà mới nhận được chế độ hỗ trợ thương tật đặc biệt mới một năm nay với số tiền là 540.000 đồng/ tháng. Một năm đầu tiên bà mắc bệnh nằm liệt giường, gia đình cô đã lên xã xin duyệt chế độ nhưng không được.

Nhà bà Xuân, cô Miền chỉ có vài tải thóc và cái giường cũ kỹ. Ảnh: Thu Hà

3 năm, 8 lần bà Xuân đi bệnh viện, phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào con chăm sóc. Con cái bà cũng khó có thể đi đâu xa, làm gì vì bà cần người trở mình liên tục cho đỡ mỏi và khỏi bị thối thịt do nằm lâu ngày. Riêng tiền bỉm mỗi tháng đã “ngốn” hơn 500.000 đồng, chưa kể tiền tiêm thuốc hàng ngày.

Ảnh internet

Là người chăm sóc mẹ hàng ngày, cô Miền chỉ có nguyện vọng là được duyệt thêm chế độ người chăm sóc với số tiền là 270.000 đồng theo quy định để cô vơi bớt khó khăn.

“Tuy nhiên, xã bảo không được chế độ người chăm sóc thì cũng không biết phải hỏi ai. Trong khi ngày đêm phải người thay phiên nhau trông bà. Bà đau đớn, rên rỉ suốt đêm. Tôi chỉ sợ nếu không làm nhanh chế độ thì không bà kịp hưởng nữa…”, một người cháu của bà xót xa nói.

Tiếp xúc với PV Emđẹp, các gia đình khẳng định họ không muốn lâm vào cảnh này để “được” hỗ trợ tâm thần, khuyết tật. Họ chỉ mong được nhận khoản hỗ trợ chính đáng theo quy định của Nhà nước.

Theo Emdep