Chồng đổi cả con ngựa lấy túi táo thối, bà vợ phản ứng lạ lùng và cái kết chẳng ai ngờ đến

Bạn thử đoán xem, khi mang túi táo thối về nhà, ông lão đã nhận được thứ gì từ vợ?

“Ông lão làm gì cũng đúng” là một câu chuyện nổi tiếng của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen, đại ý câu chuyện như sau:

Trong một ngôi làng nọ có một đôi vợ chồng già nghèo khó. Một hôm, họ muốn đem con ngựa – thứ duy nhất đáng chút tiền trong nhà ra chợ để đổi lấy thứ có tác dụng hơn.

Bà vợ nói với chồng: “Hôm nay trên thị trấn có phiên chợ, ông cưỡi nó lên đó bán hoặc đổi lấy thứ gì tốt một chút, ông làm việc gì cũng đúng hết, mau đi đi.”

Trước khi ông lão đi, bà lão còn giúp chồng thắt một cái nơ vải hình con bướm rất đẹp đeo lên cổ áo, dùng tay lau lau chiếc mũ vài nhát, hôn chào tạm biệt ông.

Ông lão cứ thế đem theo lời dặn của vợ lên đường.

Đến chợ, đầu tiên ông dùng con ngựa đổi lấy một con bò sữa, sau đó lại đổi bò sữa lấy cừu, cừu sau đó lại được đổi lấy một con ngỗng béo. Vậy nhưng sau đó, ông lại tiếp tục đổi ngỗng lấy gà mái, rồi lại đổi gà mái lấy một túi táo đã bắt đầu thối hỏng.

Trong mỗi lần trao đổi ấy, ông đều cho rằng việc mình làm cũng là việc vợ ông cần nhất, nhất định sẽ khiến bà ấy vui lắm.

Khi xách túi táo thối vào một quán rượu nhỏ để nghỉ chân, ông lão gặp hai người Anh giàu có. Ông vô cùng đắc ý kể lại chuyện đi chợ của mình. Hai người kia vừa nghe vừa cười lớn, cho rằng về đến nhà, kiểu gì cũng sẽ bị vợ đánh cho một trận nhớ đời.

Sơ đồ trao đổi hàng hóa đầy “thua thiệt” của ông lão nhà nghèo.

Thế nhưng ông lão kiên quyết phủ nhận, khẳng định với hai vị khách lạ: “Tôi nhất định sẽ nhận được một cái hôn chứ không phải một trận đòn. Bà ấy sẽ nói việc gì tôi làm cũng đúng hết“.

Nghe vậy, hai người Anh liền lấy một túi tiền vàng ra đánh cược trước khi cả ba cùng nhau về nhà ông lão.

Và điều khiến hai vị khách kia vô cùng kinh ngạc là: Bà vợ tỏ ra rất vui vẻ khi nghe chồng kể lại toàn bộ quá trình đi chợ. Và khi biết ông đổi cả con ngựa để mang về một túi táo thối, bà vẫn vui vẻ nói:

Bây giờ tôi không thể không hôn ông một cái. Tôi phải nói cho ông biết một việc. Ông biết không, hôm nay sau khi ông đi, tôi đã nghĩ hôm nay phải làm chút gì đó ngon ngon cho ông ăn.

Tôi nghĩ tốt nhất là làm bánh và cho thêm một chút rau thơm. Thế nhưng nhà lại chẳng còn chút rau thơm nào. Vì thế tôi đã đến chỗ thầy giáo ở trường.

Tôi biết họ có trồng rau nhưng vợ thầy giáo lại là một phụ nữ keo kiệt. Tôi đã xin bà ta cho tôi vay một ít. ‘Vay?’ – bà ta nói với tôi: ‘Trong vườn nhà tôi chẳng trồng được rau cỏ gì, đến một quả táo thối cũng không ra nổi nên dù là một quả táo tôi cũng không cho bà vay được.’

Nhưng bây giờ thì không cần nữa, tôi có thể cho bà ta vay hẳn 10 quả, thậm chí là cả một túi táo thôi. Ông à, ông thật biết làm người khác vui đấy! Cảm ơn ông, chồng tốt của tôi!”

Nói xong, bà hôn ông một cái thật kêu.

Hai người Anh lúc này vừa vui vừa phục đôi vợ chồng già. Như đã hứa, họ phải đưa cho họ một túi tiền vàng.

Ông lão đã thực hiện một vụ giao dịch rõ ràng là “lỗ to” nhưng không những không bị đánh mắng, ông còn nhận được từ vợ một cái hôn và sự khẳng định đầy tích cực.

Hai thông điệp tích cực từ câu chuyện

Hẳn không ít người khi đọc đoạn đầu câu chuyện sẽ thầm nghĩ, ông chồng quả đúng là ngốc nghếch, mỗi lần đổi hàng là một lần chịu thiệt nhưng không cho rằng đó là thiệt và vẫn vui vẻ chấp nhận.

Nhưng cuối cùng, hai vợ chồng già hiền lành lại nhận được một túi tiền vàng giá trị từ những người khách lạ lắm tiền.

Ảnh: Trí Thức Trẻ

Số vàng đó có lẽ đủ để mua lại tất cả những thứ mà ông lão đã đổi cho những người khác. Thế mới thấy, cuộc sống đã trả lại cho họ những thứ giá trị và tốt đẹp hơn nhiều lần so với thứ mà họ mong muốn khi mang con ngựa đi đánh đổi.

Đó chẳng phải là điều kỳ diệu, là quy luật của cuộc sống hay sao?

Thế nên chúng ta hãy cứ vững tin, rằng bất cứ khi nào ta mất đi một thứ gì, cuộc sống sẽ ban tặng lại cho ta một thứ khác tương xứng. Đừng vội tính toán thiệt – hơn, được – mất mà khiến tâm bất an, lòng không vui.

Hãy cứ giữ niềm tin, rằng vui vẻ chấp nhận thiệt thòi mất mát, trước sau gì chúng ta cũng sẽ nhận được đền bù, và những điều nhận được có thể sẽ là thứ tốt đẹp hơn thứ đã mất rất nhiều.

Ngoài ra, còn một thông điệp nữa, rất rõ ràng và thâm thúy trong câu chuyện này, đó là: “Ông lão làm gì cũng đúng” không chỉ là câu chuyện cổ tích viết cho thiếu nhi mà đúng hơn, nó là câu chuyện viết cho những cuộc hôn nhân của người lớn.

Thông qua một câu chuyện thú vị, nhà văn Đan Mạch đã cố gắng dạy những người đàn ông, những người phụ nữ đã có gia đình đạo lý làm thế nào để yêu một người.

Hay nói cách khác, khi ta yêu một người, ta cần khen ngợi họ nhiều hơn, khẳng định họ nhiều hơn, cho dù đối phương có làm sai điều gì đó, chỉ cần điều đó xuất phát từ một trái tim chân thành, động cơ tốt, chúng ta cũng nên cổ vũ và ghi nhận họ.

Tuyệt đối chớ nên cho mình là thông minh để lên lớp, làm tổn thương người chúng ta yêu mến.

Ảnh: Trí Thức Trẻ

Niềm vui khi yêu một người khác quan trọng hơn những thứ vật chất khác. Vợ chồng nên cùng tôn trọng, ghi nhận, khoan dung lẫn nhau, như thế mới có thể sống hòa thuận êm ấm suốt đời.

Theo Trí Thức Trẻ