Cảm động người đàn ông tự tay chăm sóc “vợ hờ” mang bệnh hiểm nghèo, thương con vợ như con mình

Không thể đường đường chính chính lấy nhau vì thủ tục giấy tờ, anh Sềnh vẫn ngày đêm cận kề chăm sóc vợ. Dẫu chị bị căn bệnh hiểm nghèo khiến cơ thể ngày một ốm yếu, xuất hiện những vết lở loét nặng nề ở mông.

“Tin…tin”, anh Pán Chi Sềnh (quê Đồng Nai) bóp còi xe máy, báo hiệu cho chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (35 tuổi, quê TP.HCM) biết mình đã về. Vài tháng nay, họ dọn đến căn trọ mới tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức (TP.HCM). Dắt xe dựng vào góc dãy trọ, anh mang theo túi băng gạc, thuốc sát trùng vào phòng.

Anh Pán Chi Sềnh và người vợ chưa cưới Nguyễn Thị Thanh Trâm.

Cũng chỉ là cái “duyên”

Đoạn, người đàn ông bảo chị Trâm nằm sấp xuống. Một tay lật vết thương cũ, một tay anh dùng kéo cắt túi gạc mới, đổ thuốc lên.

Anh Sềnh trở về sau khi đi mua dụng cụ rửa vết thương cho chị Trâm.
Người đàn ông tự tay cắt từng miếng gạc.

Tiếng kêu đau bắt đầu lớn dần, vùng mông người vợ túa máu, bốc lên một mùi hôi thối. Anh Sềnh hơi nhíu mày, mắt hướng về chị Trâm khẩn khoản: “Ráng chịu đau chút xíu nha em”.

Người đàn ông chăm sóc, yêu thương hết mực “vợ hờ” mắc bệnh hiểm nghèo.

Cảnh thay băng diễn ra vỏn vẹn 10 phút nhưng khiến người chứng kiến xé lòng. Mấy tháng nay, anh Sềnh vẫn đều đặn làm công việc đó.

Cảnh “chồng hờ” chăm sóc vợ diễn ra ngày này qua ngày khác.

Anh kể, hai năm trước khi còn làm nhân viên xử lý chất thải ở Bình Dương, anh gặp và yêu chị Trâm thông qua sự giới thiệu từ bạn bè. Biết người phụ nữ từng một lần dang dở, lại có con riêng và đang bị bệnh nhưng người đàn ông không ngại thổ lộ tình cảm.

Người đàn ông chăm sóc, yêu thương hết mực “vợ hờ” mắc bệnh hiểm nghèo.

Anh cũng là người trực tiếp lo việc ăn uống cho chị Trâm.

“Mình cũng lớn tuổi, cũng quá lứa rồi, giờ có người để yêu thương thì ngại ngần gì mà không tiến tới. Đó chắc là duyên phận” – anh Sềnh trải lòng.

Không những bị gia đình phản đối khi quyết định đến với nhau, họ cũng không thể làm hôn thú vì chị Trâm không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Hai năm, họ sống trong cảnh “vợ chồng hờ”.

Và cũng từ thời điểm này, anh Sềnh phải gồng mình gánh lấy nhiệm vụ làm cha đứa con trai 11 tuổi của chị Trâm, lo từng viên thuốc, muỗng cơm cho người nữ đang gánh chịu nỗi đau của căn bệnh thiếu máu tán huyết bùng phát từ 5 năm trước.

Căn bệnh lupus ban đỏ và thiếu máu tán huyết khiến thể trạng người phụ nữ suy kiệt.

Ít ngày sau khi họ dọn về sống chung, chị Trâm mang thai. Nỗi đau chất chồng nỗi đau, đứa trẻ đầu tiên mất trong bụng mẹ khi chị bị tiền sản giật, lupus ban đỏ. Lần mang bầu kế tiếp, thai nhi chết lưu trong bụng. Cố gắng tìm kiếm quả ngọt tình yêu, cơ thể chị Trâm ngày một suy kiệt nặng nề.

“Cỡ nào cũng phải kéo mẹ nó trở về”

Tháng 9/2017 sau một thời gian dưỡng bệnh, chị Trâm đi làm lại thì phát hiện vùng mông có dấu hiệu đau và nổi mụn nhọt. Một thời gian ngắn sau, mụn nhọt bể ra, cảnh lở loét bắt đầu xuất hiện.

“Lúc đó cô ấy đau muốn ngất, đến nỗi khi vào viện bảo bác sĩ cứ gi.ết em đi cho xong. Hôm nằm trong phòng hồi sức, người cô ấy phù hết lên. Có lúc bác sĩ kêu chuẩn bị tinh thần, có thể qua không nổi, tưởng chừng rút ống thở là ra đi. Mình khi đó cũng tuyệt vọng lắm, nhưng thấy thương thằng nhỏ mới vừa có được ba 2 năm. Nếu có chuyện gì lại mất mẹ, nên cỡ nào cũng phải ráng kéo mẹ nó trở về” – anh Sềnh tâm sự.

Hiện tại, người phụ nữ đang điều trị tại các bệnh viện ở quận Thủ Đức.

Hai tháng nay, chị Trâm chuyển về điều trị tại BV quận Thủ Đức. Để có thời gian chăm sóc vợ, anh Sềnh bỏ nghề xử lý chất thải, xin người em ruột một chân phụ việc. Mỗi ngày khi gà chưa gáy, anh đã chạy ra chợ mua thức ăn về nấu nướng cho vợ con rồi mới đi làm. Vết thương vùng kín khiến chị Trâm đi lại bất tiện, cũng chính người đàn ông lo chuyện vệ sinh, tắm rửa cho vợ.

Mấy tháng nay, người phụ nữ bị lở loét ở mông, cơ thể héo mòn.

“Vợ chồng sống cần những lúc hoạn nạn như vậy. Vợ đã có bệnh sẵn, mình đâu có ý gì khác nữa, phải ráng sống khỏe mạnh để lo cho thằng nhỏ. Con nào cũng là con, người ta không có con người ta còn phải đi xin mà” – lời đáp của anh Sềnh phá tan mọi sự nghi ngờ của chúng tôi.

Không có đầy đủ giấy tờ nhân thân, mỗi lần vào viện họ phải mang theo đơn xác nhận tạm trú.

Sự quyết tâm gắn bó cùng người mình yêu của anh Sềnh đã lay động được gia đình. Từ chỗ phản đối gay gắt, giờ đây họ còn phụ giúp anh một phần chi phí lo cho vợ. Căn trọ nhỏ ngoài tiếng rên rỉ của những lần thay băng, đâu đó vẫn lóe lên nụ cười hi vọng vào tương lai hạnh phúc.

Không chỉ chăm vợ, anh Sềnh còn phải lo lắng cho con riêng đang học lớp 5 của chị Trâm.

11 giờ trưa, cậu nhóc đi học trở về. Anh Sềnh chạy ra, trìu mến quàng vai dẫn nó vào. Hàng xóm cạnh nhà cười nói với theo: “Hai cha con bây tướng tá mập mạp giống nhau quá há”.

Dắt tay nhau vào nhà, cậu bé bỏ cặp chạy lại lấy nước đút cho mẹ uống. Chị Trâm nhìn con, giọng thều thào: “Nó học yếu lại quậy lắm, nhưng ba nó nói gì là nghe đó”.

Người phụ nữ giờ chỉ mong khỏe lại để cùng chồng xây hạnh phúc.

Giây phút thong thả hiếm hoi đó không che đi được nỗi bất an của họ. Anh Sềnh cho biết, giờ đây ngoài tiền thuốc men cho vợ, chi phí ăn uống, học hành của con, mỗi tháng họ phải tốn hơn 2 triệu đồng tiền trọ.

“Trước đây còn đi làm ổn định thì mình trang trải được nhưng hiện nay thì thật sự kiệt quệ. Lần nhập viện vừa rồi của vợ, mình phải đi vay mượn hơn 100 triệu đồng. Mua bảo hiểm gặp khó khăn vì Trâm không có chứng minh thư nên viện phí cũng không được hỗ trợ” – anh Sềnh thở dài.

“Lúc bệnh nặng ảnh chăm sóc không ngại, đi tiêu, tiểu gì cũng lo hết. Cảm giác không có anh kề bên cứ như mình bị bỏ rơi. Giờ tôi chỉ muốn anh ở bên cạnh từng giây từng phút”– chị Trâm nén đau đớn, nói với người chồng ngồi phí đối diện đang lặng lẽ đút từng muỗng cơm cho mình.

Theo Emdep