Cảm động chuyện 2 chị em hơn 90 tuổi bán vé số, dành tiền nhận được từ nhà hảo tâm để làm từ thiện

Câu chuyện cụ Võ Thị Ngươn (92 tuổi) 30 năm đi bán vé số, hết lòng chăm sóc cho chị gái (95 tuổi) sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã khiến không ít người xúc động. Đặc biệt, sau khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người, chị em cụ chỉ sử dụng một phần nhỏ còn lại mang đi làm từ thiện.

Chị ngã em nâng

Dù đã 92 tuổi, bà Võ Thị Ngươn (trú tại khóm Hòa Khánh, phường 2, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vẫn hàng ngày chống gậy rong ruổi khắp ngõ phố bán vé số để có tiền lo cho chị gái là bà Võ Thị Hạnh (95 tuổi).

Cha mẹ mất sớm, nhà nghèo, thương em gái út nên khi còn trẻ, 2 chị em bà Ngươn chỉ tập trung vào chăm sóc cho em. Tới khi em trưởng thành và lập gia đình, 2 chị cũng đã có tuổi, nên ở vậy nương tựa nhau sống cho tới nay cũng hơn 90 năm.

Hai chị em bà Ngươn (bên Trái), bà Hạnh (phải)

Ban đầu hai chị em gồng gánh bán hột vịt lộn, bán gạo ngoài chợ, rồi sau đó chuyển sang nghề bán vé số đã được hơn 30 năm nay. Nhiều năm trước, bà Hạnh bị bệnh không thể lao động được mà chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước.

Nhưng hơn 10 năm nay, bệnh của bà Hạnh chuyển biến nặng hơn phải nằm một chỗ. Hàng ngày bà Ngươn vừa đi bán vé số vừa tranh thủ chăm sóc chị. Hơn 90 năm sống với nhau là từng ấy năm hại chị em bà Ngươn dành hết tình cảm yêu thương cho nhau.

Dù những bữa cơm hàng ngày còn đơn sơ, bữa có rau, bữa cháo nhưng chỉ cần được ngồi ăn cùng nhau là chị em bà Ngươn lại vui vẻ, chuyện trò rôm rả. Câu chuyện cũng chỉ xoay quanh sức khỏe của người chị, rồi chuyện người em đi bán vé số, chuyện được người này người kia giúp đỡ…

Đã hơn 90 tuổi nhưng bà Ngươn vẫn rất minh mẫn. Có người tới thăm, bà vui mừng chia sẻ: “Mỗi ngày tôi bán được 100 tờ vé số, vì người ta thấy mình già nên thương và mua giúp. Có khi cô bác mua vé số thấy tôi già cả lại cho thêm 1.000-2.000 đồng. Cuộc sống hai chị em nhờ vậy cũng tạm được. Nhưng tôi chỉ sợ tôi già rồi, lỡ có đau bệnh không làm được nữa thì không có người chăm sóc cho chị. Thấy chị đau bệnh, tôi thương lắm chỉ mong được chăm sóc cho chị thật nhiều, để chị khỏe có người tâm sự cho chị em vui vẻ”.

Mỗi buổi sáng trước khi đi bán vé số, hai chị em bà Ngươn lại cầu chúc cho nhau được may mắn. Em gái dặn chị ở nhà giữ gìn sức khỏe, không được đi đâu ra khỏi giường lỡ té thì khổ, còn bà Hạnh chúc em đi bán vé số may mắn để được về sớm nghỉ ngơi.

Hai chị em bà Ngươn gắn bó yêu thương nhau suốt hơn 90 năm qua

Thấy hàng ngày em lớn tuổi, bệnh tật mà vẫn phải bươn chải kiếm tiền nuôi mình, bà Hạnh nhiều lần khóc vì thương em. Bà tâm sự: “Nhìn em đi bán vé số cực quá. Đêm lại dậy chăm sóc cho tôi. Ngày nào nó đi bán vé số, tôi ở nhà cũng trông ngóng. Nhiều khi thấy muộn mà nó chưa về là tôi hỏi thăm hàng xóm xem có nhìn thấy nó không. Nó chưa về là tôi không chịu ăn cơm trước”.

Có một lần, bà Ngươn mệt quá ngất xỉu ngoài đường khi đang bán vé số. Một vài người thấy vậy đã đưa bà về nhà.

Nhiều năm qua, thấy thương bà cụ già nhưng có tấm lòng hiếu đạo với chị gái, nhiều người dân tốt bụng biết chuyện cũng thường xuyên lui tới ủng hộ cho chị em bà, khi thì gạo, khi thì quần áo cũ, khi thì bánh trái…nhưng mỗi khi nhận được giúp đỡ từ mọi người bà chỉ dùng một phần, còn lại bà đem giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác.

Bà Ngươn kể: “Có lần một cô gái chân bị tật nguyền tới hỏi xin chiếc xe lăn nhà hảo tâm cho tôi. Cô ấy bảo có người mách tới đây xin. Tôi đồng ý cho ngay vì tôi nghĩ cô gái ấy cần hơn tôi. Tôi tuy yếu nhưng chống gậy vẫn còn đi được. Tới nay đã nhiều năm không thấy cô gái ấy liên lạc lại, giờ không biết ra sao”.

Những tấm lòng hảo tâm gần xa

Hơn một tuần sau khi câu chuyện của 2 chị em bà Ngươn được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người quanh khu phố Hoàng Hoa Thám không khỏi vui mừng cho chị em bà Ngươn, vì có nhiều tấm lòng hảo tâm từ khắp nơi đến giúp đỡ cho hai chị em bà. Nhờ vậy, mà bà được nghỉ ngơi không phải đi bán vé số nữa.

Số gạo, mì tôm bà Ngươn nhận được từ các nhà hảo tâm.

Bà Ngươn tâm sự: “Từ ngày có chú phóng viên cho tôi lên mạng, ngày nào cũng có một hai đoàn từ thiện đến đây thăm hỏi và quyên góp giúp đỡ 2 chị em tôi. Người cho gạo, mì tôm, nước tương, rồi người cho tiền…

2 chị em cũng mừng vì từ nay không phải đi bán vé số nữa mà được ở nhà chăm sóc cho chị, nhưng tôi thấy ái ngại lắm vì tôi mà các cô chú phải bỏ công việc, lặn lội xa xôi tới đây với tôi.

Có hôm có đoàn từ thiện đi từ sáng sớm từ Sài Gòn xuống đây cho gạo, nước tương, tiền mà tôi nghe được có cô trong đoàn giục mọi người về thôi kẻo trễ việc bị la.

Nghe thế tôi ngại quá, tôi nói với cô gái, tôi xin lỗi vì tôi mà mọi người phải xa xôi về đây, nhưng lát cô có về dù vội mong cô chú đi xe cẩn thận, chứ đừng vì vội vàng mà đi nhanh lỡ có bề gì tôi mang tội. Về tới nơi nếu có bị mắng thì tôi cũng cầu chúc cho cô chú bình an, may mắn. Cô gái mới cười nói, con nghe cụ.

Một người phụ nữ 5 giờ sáng từ Đồng Tháp xuống giúp đỡ chị em bà Ngươn.

Bà Ngươn còn cho hay, mới đây có một đoàn từ thiện khác không những tới thăm, cho quà mà còn muốn mời hai chị em bà đi ăn nhà hàng. Bà không quen đến những nơi sang trọng nên bà từ chối và muốn được ở nhà chăm sóc chị. Tuy nhiên, đoàn từ thiện vẫn mong muốn được dẫn bà đi ăn.

Tôi chỉ xin chén cơm và ăn với hột vịt kho. Thấy vậy mấy cô hỏi, tại sao cụ bỏ con cua tôm và chỉ ăn với hột vịt không vậy cụ. Tôi nói, tôi ăn vậy quen rồi, với lại tôi đã có tuổi nên chỉ ăn uống đơn giản thôi” – bà Ngươn vui vẻ kể.

Bà cụ với tấm lòng nhân hậu giữa đời thường

Dù khó khăn nhưng hai chị em bà Ngươn lại có một tấm lòng cao quý. Từ số tiền, gạo nhiều người giúp đỡ, chị em bà mong muốn được tặng lại cho phường để giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn hơn.

Bà Ngươn bảo 2 chị em tôi đã cao, ăn uống cũng chả bao nhiêu, tiền thuốc men đã có bảo hiểm y tế hỗ trợ, số gạo, mì mọi người cho nhiều lắm để đó nó hư thì mang tội.

Có người còn mang quần áo mới tới cho hai chị em nhưng bà Ngươn bảo, bà chỉ mặc 2 bộ thôi, mà chỉ mặc khi đi chợ hay ra ngoài, còn lại vẫn để dành đó có ai nghèo khó hơn thì cho. “Lần sau, có cho tôi thì cho quần áo cũ thôi, tôi cũng cám ơn lắm, tôi già rồi sống còn bao lâu mà mặc quần áo mới phí lắm”. Bà Hai nói.

Bà Ngươn đang khâu lại chiếc áo của người em đã mất để mặc lại.

Khi phóng viên tới nhà bà Ngươn đang ngồi khâu lại cái áo của người em út mất cách đây đã nhiều năm. Bà chia sẻ: “Vì nó nhỏ hơn tôi nên tôi phải nới ra mới mặc vừa, áo tuy đã cũ nhưng vải vẫn còn tốt, bỏ đi uổng lắm.

Hiện tại bà Ngươn đang sống với vợ chồng người cháu (con của người em gái út), tuy nhiên khi thấy chị em bà Ngươn có ý định dùng số tiền, gạo để hỗ trợ cho người nghèo, tất cả mọi người đều đồng ý và ủng hộ nghĩa cử cao đẹp của 2 cụ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Tòng – phó chủ tịch UBND phường 2, TP Sa Đéc cho biết: “Hiện chúng tôi đã tiếp nhận ý kiến của cụ Võ Thị Ngươn và cũng đã lên danh sách những gia đình khó khăn, khi nào nhận được số gạo, mì đó chúng tôi sẽ phát cho những hộ khó khăn.

Còn số tiền gần 100 triệu đồng mà mạnh thường quân cho, cụ cũng muốn sẽ tìm một ngân hàng nào đó để gửi, tiền lãi hàng tháng sẽ cho vào quỹ chữ thập đỏ của phường để giúp đỡ người nghèo. Chúng tôi rất trân trọng tấm lòng của bà cụ, dù nghèo khó nhưng vẫn có tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Tấm lòng của bà cụ thật hiếm có giữa đời thường”.

Theo Saostar