Bắt khẩn cấp người giúp việc bạo hành dã man bé gái gần 2 tháng tuổi ở Hà Nam

Tối 23/11, Trung tá Lê Đức Tùng (Trưởng Công an TP Phủ Lý, Hà Nam) xác nhận, đơn vị vừa ra lệnh bắt khẩn cấp với Nguyễn Thị H. (58 tuổi, ở thôn Bình Thượng, Yên Thọ, Ý Yên, Nam Định), người giúp việc bạo hành dã man em bé 2 tháng tuổi ở Hà Nam.

Bà H. bị cơ quan điều tra bắt về để điều tra làm rõ hành vi bạo hành cháu bé hơn 2 tháng tuổi ở phường Quang Trung (Phủ Lý- Hà Nam) đang gây xôn xao dư luận.

Bà H. bị bắt khẩn cấp

Trước đó, chị Nguyễn Thị P. (mẹ cháu bé bị bạo hành) đã đăng tải clip người giúp việc bạo hành con gái lên mạng xã hội.

Vào khoảng 17h30 chiều 22/11, chị P. Ra ngoài đón con lớn, rồi kiểm tra camera thì phát hiện người giúp việc đang đánh đập, quăng quật, tung hứng con gái mình.

Nơi bé gái bị bạo hành

Sau đó, khi về nhà chị và chồng cho người giúp việc xem đoạn clip thì bà H. chỉ nói dỗ nhẹ cháu để bé đỡ khóc. Sau đó, chị P. đã trình báo cho công an TP Phủ Lý, đăng tải lên mạng xã hội sự việc và đưa người giúp việc đến Công an TP. Phủ Lý để giải quyết sự việc.

Có thể bị phạt tù đến 3 năm

Điều 104 Bộ luật Hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Điều 110. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; b) Đối với nhiều người.

Theo Thời đại